Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế
Lượt đọc: 898Thời gian: 14:10 - 24/11/2022

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, là kiến trúc sư của nền văn hoá “Dân tộc - khoa học - đại chúng” của nước nhà, Người đặt nền móng và đề ra những tư tưởng, quan điểm hết sức cơ bản, quan trọng cho cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy những di sản văn hoá của dân tộc. Hiểu được giá trị của nền văn hiến, của truyền thống văn hoá dân tộc, của thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam. Chính vì vậy, cách đây 77 năm, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện”. Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam” thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với sự nghiệp giữ gìn, bảo tồn văn hóa - một yếu tố vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thừa Thiên Huế là vùng đất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản gắn liền với vùng đất Huế đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Toàn tỉnh có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 03 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh và 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc Danh mục Kiểm kê di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình di sản độc đáo khác như: Ca Huế, Ca kịch Huế, Tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên địa bàn tỉnh, có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Cùng với sự ra đời của 05 bảo tàng công lập (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Lịch sử Lịch sử Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Mỹ Thuật Huế; Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung); 05 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ, Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham) và các nhà trưng bày cho thấy Huế là một trong những trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo, phong phú về loại hình. Các bảo tàng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sỹ tài hoa của quê hương đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đến nay, Huế có 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Những thành tựu đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương cho các thế hệ.

Nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/ 2005 - 23/11/2022), Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức các hoạt động nhằm “Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế”. Với các hoạt động Tổ chức kỷ niệm Ngày di sản văn hóa, tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Trường Quốc Học, Ra mắt hệ thống thuyết minh tự động và sản phẩm lưu niệm của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế, Tổ chức trưng bày triển lãm với chủ đề “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình”...

Hoạt động Ra mắt hệ thống thuyết minh tự động và sản phẩm lưu niệm của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế nhằm phát huy có hiệu quả giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ một cách tốt hơn, tiện lợi hơn cho khách tham quan. Đồng thời thực hiện số hóa bảo tàng và các di tích, Bảo tàng đã tiến hành xây dựng hệ thống thuyết minh tự động cho Nhà trưng bày bảo tàng và 02 di tích Nhà lưu niệm tại đường Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Dương Nỗ; tổ chức thiết kế và ra mắt các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của Bảo tàng. Hệ thống thuyết minh tự động gồm có 43 điểm, trong đó 3 điểm tại Di tích nhà lưu niệm ở đường Mai Thúc Loan, 5 điểm tại Nhà lưu niệm ở làng Dương Nỗ, 35 điểm tại Nhà trưng bày Bảo tàng. Hệ thống thuyết minh tự động được Bảo tàng xây dựng dựa trên công nghệ quét mã QR, dễ dàng sử dụng và tương tác với giao diện đơn giản, bắt mắt, dễ hiểu. Với 2 ngôn ngữ Việt - Anh, ứng dụng thuyết minh tự động giúp khách tham quan, đặc biệt là khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung toàn bộ hệ thống trưng bày và di tích, góp phần nâng cao chất lượng chuyến tham quan. Bên cạnh đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn ra mắt các sản phẩm lưu niệm, quà tặng có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm của Người ở Thừa Thiên Huế. Mỗi sản phẩm là một hình ảnh liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo dấu ấn riêng, hấp dẫn du khách đồng thời lan tỏa, quảng bá nhiều hơn hình ảnh về điểm đến.

Trong dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Huế cũng phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Khoa Kiến trúc - Đại học Khoa học Huế và huyện đoàn Phong Điền tổ chức trưng bày triển lãm với chủ đề “Làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình”. Triển lãm trưng bày và giới thiệu đến công chúng 38 tác phẩm của 37 tác giả là giảng viên, sinh viên, học sinh đến từ Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Khoa Kiến Trúc - Trường Đại học Khoa học Huế và một số trường trung học phổ thông của huyện Phong Điền. Đây là thành quả của hoạt động sáng tác bằng hình thức vẽ ký họa, trực họa và trải nghiệm làm gốm tại làng cổ Phước tích, ở xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được Trường Đại học Nghệ thuật Huế phối hợp tổ chức thực hiện vào đầu tháng 10 năm 2022. Với các chất liệu như acrylic, bút sắt, sáp màu trên giấy, giấy dó, chì than, màu nước, nhiếp ảnh và bằng lối tả thực, bán trừu tượng; các tác phẩm đã thể hiện nét đẹp di sản của Làng cổ từ góc sân vườn, lò gốm, miếu cây thị, những công trình kiến trúc nhà rường cổ trăm tuổi, những con đò, bến nước dòng sông, những sản phẩm gốm, hình ảnh xưa cũ về đình, chùa, miếu, nhà thờ và cảnh sinh hoạt của làng gốm, tạo nên một cảm giác vừa quen lại vừa lạ, vừa gần lại vừa xa, mang đến những ấn tượng, sự khác lạ cho người thưởng lãm. Triển lãm còn là nơi “Gặp gỡ” thú vị và đầy ý nghĩa của những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, trân trọng, bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, văn hoá lịch sử của làng di sản Phước tích nói riêng; tiếp tục kết nối cộng đồng để từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản; góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch và kinh tế địa phương, nâng cao vị thế hình ảnh mảnh đất và con người Huế.

Thông qua các hoạt động này là dịp để những người làm công tác di sản văn hóa đánh giá hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua đồng thời triển khai một số hoạt động nhằm làm tốt công tác bảo tồn hệ thống di sản văn hóa của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày