Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình
Lượt đọc: 6637Thời gian: 09:57 - 01/06/2021

VHH - Những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Số vụ việc liên quan tới bạo lực gia đình giảm dần (năm 2019 có 370 vụ, năm 2020 là 68 vụ). Tín hiệu đáng mừng trên cho thấy hiệu quả tích cực của công tác truyền thông trong cộng đồng và sự thay đổi tích cực từ trong nhận thức của mỗi người dân, mỗi gia đình.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6), tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình từng bước có sự đổi mới để phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Trong đó, chú trọng tuyên truyền vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với từng cá nhân, xã hội và đất nước; các truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam nói chung và giá trị chuẩn mực của gia đình Huế nói riêng; những giá trị mới, tiên tiến của gia đình; phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật liên quan đến gia đình; biểu dương các điển hình, mô hình tiêu biểu của các địa phương, đơn vị trong công tác gia đình… Hình thức tuyên truyền ngày càng phong phú, sử dụng nhiều kênh, từ tuyên truyền trực quan đến truyền thông trực tiếp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ở cơ sở... và được các cấp, các ngành tiến hành thường xuyên ở các khu vực, địa bàn khác nhau, như: trường học, công sở, khu công nghiệp, khu dân cư... Đối tượng tuyên truyền đa dạng, từ cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh, người lao động đến các nhóm đối tượng ưu tiên trong xã hội. Bên cạnh đó, gắn công tác tuyên truyền với các nhiệm vụ phát triển về y tế, giáo dục, dân số, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị và nông thôn… đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình, của tất cả các gia đình trong cộng đồng, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và cộng đồng xã hội. Do vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình là việc làm thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội. Ngành văn hóa và thể thao, các địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác gia đình vào Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực: Biểu dương Gia đình văn hóa tiêu biểu, cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, hội thi Gia đình thể thao, Gia đình văn nghệ, phát động tổ chức Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương... Các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức các chiến dịch truyền thông, Hội thi, Hội nghị, Hội thảo để tuyên tuyền rộng khắp. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và người dân về công tác gia đình. Nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể nên nhận thức về công tác gia đình trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng xã hội ngày càng được nâng cao. Vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế được củng cố và phát triển; các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về gia đình được phổ biến đến đông đảo người dân; qua đó, cổ vũ người dân tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Năm 2020 toàn tỉnh có 68 vụ bạo lực gia đình được phát hiện ở 66 hộ. Trong đó bạo lực thân thể có 35 vụ, bạo lực tinh thần có 32 vụ, bạo lực kinh tế 02 vụ và bạo lực tình dục 01 vụ. Trong số 68 vụ bạo lực gia đình được phát hiện, có 56 nạn nhân là phụ nữ, chiếm 82.3%; 10 trường hợp là trẻ em, chiếm 14.7%. 45 nạn nhân đã được tư vấn về tinh thần, tâm lý, chiếm 66.2% và 13 nạn nhân đã được chăm sóc hỗ trợ tại các cơ sở y tế, chiếm 19.1%.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 38 Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hoạt động của Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững được tổ chức thường xuyên, lồng ghép vào sinh hoạt thôn, tổ dân phố với 122 Câu lạc bộ. Có 296 nhóm PCBLGĐ sẵn sàng phản ứng nhanh, kịp thời can thiệp các vụ bạo lực. Các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được duy trì với 636 địa chỉ. Điển hình là thị xã Hương Thủy với 53 mô hình CLB Gia đình phát triển bền vững và 89 tổ hòa giải cơ sở ở 12 xã, phường. Với sự hoạt động tích cực của các tổ tư vấn, tổ hoà giải, một số vụ bạo lực đã có sự can thiệp, hỗ trợ của địa phương. Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đã được hoà giải; 70% gia đình có bạo lực đã ổn định nhờ góp ý tại cộng đồng dân cư. Hoạt động tư vấn cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả, tư vấn 100% cho cả người gây bạo lực và nạn nhân bị bạo lực.

Tháng hành động quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình năm nay được triển khai từ ngày 01 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 nhằm tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt những người làm công tác gia đình ở cộng đồng. Tập trung truyền thông các thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng trong gia đình; văn hóa gia đình; giá trị gia đình và giáo dục gia đình, đặc biệt nêu cao tính gương mẫu và nhân rộng các điển hình tại các địa phương.

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày