20 năm Ngày gia đình Việt Nam: 28/6/2001-28/6/2021
Lượt đọc: 7320Thời gian: 15:31 - 22/06/2021

VHH - Vào ngày 04 tháng 5 cách đây 20 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: “Lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, vận động nhân dân tích cực tham gia “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ”.

Là vùng đất kinh đô xưa, Thừa Thiên Huế hiện đang giữ gìn được các hệ giá trị văn hoá tốt đẹp của gia đình truyền thống trong đời sống gia đình và xã hội. Những giá trị này đang từng ngày được bảo tồn và phát huy cùng với các giá trị văn hoá gia đình hiện đại. Gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống mà còn là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, góp phần chống lại các tệ nạn xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2000 đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vấn đề xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc là một nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Xây dựng gia đình là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình và của toàn xã hội. Đặc biệt sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được ban hành và có hiệu lực vào năm 2008, công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở ban ngành, tổ chức đoàn thể đẩy mạnh thực hiện, trong đó công tác tuyên truyền được xác định là pháp trọng tâm và xuyên suốt trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội, nhất là vai trò của cá nhân, gia đình, các tổ chức cơ sở, địa phương như làng, thôn, bản, tổ dân phố.

Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế thường xuyên đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về vị trí, vai trò của các chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình; về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình, các cơ quan, những người thi hành công vụ liên quan đến gia đình. Lấy giáo dục trong gia đình làm gốc, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” được Sở Văn hóa và Thể thao triển khai rộng khắp, từ các các cơ quan truyền thông cấp tỉnh như báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đến hệ thống các Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các cuộc họp thôn, tổ dân phố ở cơ sở. Các Đài truyền thanh cấp huyện đã xây dựng chuyên mục “Chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình”, được đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn tiếp sóng và phát sóng nhiều lần trong ngày. Đề án còn được triển khai thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố được tổ chức mỗi tháng 1 lần, người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ. Đến nay, Đề án được triển khai thường xuyên và rộng khắp trên hệ thống các Đài Truyền thanh, Đài Truyền thanh Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố. Phát huy hiệu quả đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động lồng ghép vào Chương trình “Giáo dục đời sống gia đình” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo. Hằng năm có hàng trăm tin, bài về gia đình trên Đài Truyền hình cấp tỉnh và Báo Thừa Thiên Huế, khoảng 150 lượt tin, bài trên Đài Truyền thanh 9 huyện, thị xã, thành phố, 2.500 buổi tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, phường, thị trấn, hơn 1.000 buổi tuyên truyền lồng ghép vào sinh hoạt của các đoàn thể ở cơ sở, hàng trăm buổi lồng ghép vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, treo trên 500 pa nô, áp phích, băng rôn vào các dịp lễ, ngày gia đình Việt Nam. Ngoài ra còn có hàng chục buổi truyền thông, tuyên truyền lưu động do Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện tổ chức. Sở Văn hóa và Thể thao định kỳ tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/6 như: tìm hiểu về Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới thông qua các Hội thi “Gia đình Hạnh phúc”, “Gia đình Thể thao”, “Câu lạc bộ Gia đình Hạnh phúc” từ cơ sở đến cấp tỉnh, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về công tác gia đình trong những năm qua được các cấp, các ngành được triển khai và nâng cao về chất lượng. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện “Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Chương trình “Phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2015 - 2020”, Chương trình “Giáo dục đời sống gia đình”, Đề án“Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế”... Đã tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình về gia đình, trọng tâm là mô hình Phòng chống bạo lực gia đình và mô hình thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Toàn tỉnh có 48 mô hình Phòng chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong đó: huyện Nam Đông: 22 mô hình; thị xã Hương Trà: 19 mô hình; thành phố Huế: 06 mô hình. Thành lập 485 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình. Có 259 nhóm Phòng chống bạo lực gia đình do UBND xã ra quyết định thành lập, đang hoạt động. Các nhóm đã thiết lập đường dây nóng để đảm bảo việc thông tin liên lạc giữa nạn nhân và các thành viên của nhóm khi có vụ việc xảy ra. Ngoài ra, có 155 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững đang hoạt động. Thành viên các câu lạc bộ, nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ, được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hằng năm.

Thừa Thiên Huế là một trong 12 địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là tỉnh thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình từ năm 2019. Đề án này đang được thực hiện thí điểm tại 02 xã, phường, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một hệ thống chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa trong các gia đình; nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên, qua đó ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.

Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi trong gia đình được con, cháu chăm sóc, phụng dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình là 99%. Các  trường hợp người cao tuổi không còn người chăm sóc, phụng dưỡng thì đều được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hiện hành. 100% gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình có công với nước được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, đồng thời các gia đình thuộc dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn luôn được Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể cộng đồng quan tâm chăm sóc, hỗ trợ nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần. 100% xã đã được phủ sóng điện thoại cố định và sóng truyền hình. Tỷ lệ số hộ dùng nước sạch là 80% ở nông thôn và 98% ở thành thị, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng đi lên.

Các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động người dân tự nguyện, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị và nông thôn, thực hiện hương ước, quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 290.392 gia đình, trong đó đăng ký xây dựng gia đình văn hóa là 271.936 gia đình, đạt tỷ lệ 93,64%; số được công nhận gia đình văn hóa là 252.690, đạt tỷ lệ 92,9% so với số đăng ký. Bên cạnh xây dựng “Gia đình văn hóa”, phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học” được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, dòng họ đã có những cách làm hay, như: xây dựng quỹ, vận động bà con trong dòng họ cho gia đình nghèo mượn tiền nuôi con học đại học, tổ chức lễ tuyên dương, phát thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt… đã tạo điều kiện giúp đỡ các học sinh nghèo hiếu học tiếp tục đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, vi phạm tệ nạn xã hội. Đến cuối năm 2020, đã có 121/145 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; Hỗ trợ cấp thẻ BHYT cho người nghèo đảm bảo 100% đối tượng có thẻ. Tỷ lệ gia đình thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tăng lên 95%. Trên 70% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ. 98% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh trong học đường và 100% cơ sở giáo dục Mầm non đạt trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn chủ đề truyền thông của năm là “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc” để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhằm tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Để ngày Gia đình Việt Nam luôn là ngày đầy ý nghĩa, mọi thành viên trong gia đình ngày càng ý thức được giá trị mái ấm để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để vun đắp một gia đình bình an và hạnh phúc.

Thu Mỹ
Các tin khác
Xem tin theo ngày