Những thành tựu trong bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng giai đoạn 2015 - 2020
Lượt đọc: 8020Thời gian: 14:53 - 28/09/2021

VHH - Nói đến kiến trúc truyền thống Huế, người ta thường nghĩ ngay đến nhà vườn Huế, là di sản kiến trúc độc đáo góp phần tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Huế. Hệ thống nhà vườn Huế xuất hiện khá sớm, nhất là sau khi thủ phủ chúa Nguyễn được xây dựng ở làng Kim Long, bên bờ tả ngạn sông Hương vào năm 1636 và đặc biệt phát triển mạnh dưới triều Nguyễn. Nhà vườn Huế là di sản đặc trưng tạo nên bản sắc, truyền thống văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến hình thành cốt cách, tâm hồn của con người xứ Huế và là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa của vùng đất Cố đô Huế.

Những ngôi nhà vườn truyền thống Huế thường được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, gắn bó mật thiết với môi trường tự nhiên, tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà rường, vườn. Nhà vườn thể hiện vị trí xã hội, uy quyền và tính cách riêng có của từng vị chủ nhân và đã thực sự trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng trong kiến trúc đô thị hiện nay.

Vùng Kim Long có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như phủ thờ Đức Quốc Công (2 Kim Long), Xuân viên tiểu cung (3/22 Phú Mộng), nhà vườn ông Nguyễn Văn Trọng (28 Phú Mộng), nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ (3 Phạm Thị Liên), nhà vườn ông Đoàn Kim Khánh (145 Vạn Xuân), nhà vườn ông Mai Khắc Lưu (180 Lý Nam Đế), nhà vườn ông Lê Lương (38 Nguyễn Hoàng), nhà vườn ông  Đoàn Văn Khuyến (137 Vạn Xuân)...

Vùng Thủy Biều có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như nhà vườn ông Hồ Xuân Doanh (51 Thanh Nghị), nhà vườn ông Đặng Phi Hùng (43 Lương Quán), phủ thờ Huấn Vũ Hầu (27 Lương Quán), nhà vườn ông Hoàng Trọng Dũng (1/12 Ngô Hà), nhà vườn ông Hồ Xuân Đài (501/24/10 Bùi Thị Xuân), nhà vườn ông Hồ Xuân Bổng (32 Thanh Nghị), nhà vườn ông Tôn Thất Tòa (13A Lương Quán)...

Vùng Gia Hội - Chợ Dinh có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh), phủ thờ Tuy An Quận Vương (148 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Mai Hữu Bảo (45 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Thái Nguyên Hạnh (180 Bạch Đằng), nhà vườn ông Phan Hồng Sâm (4/24/228 Bạch Đằng), nhà vườn ông Trần Quốc Việt (38 Lê Đình Chinh), nhà vườn ông Phạm Quang Đức (15/228 Bạch Đằng)...

Vùng Vỹ Dạ có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như phủ thờ Tuy Lý Vương (98 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Phong Quốc Công (306 Nguyễn Sinh Cung), nhà vườn bà Cao Thị Đạm (40 Tuy Lý Vương), nhà vườn ông Vĩnh Tháp (310 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Diên Khánh Vương (228 Nguyễn Sinh Cung)...

Ngoài ra, tại xã Phong Hòa, huyện Phong Điền vẫn còn hiện hữu ngôi làng cổ Phước Tích, với nhiều kiến trúc nhà vườn truyền thống đặc trưng. Đây là ngôi làng thứ hai của Việt Nam được công nhận là làng di sản cấp quốc gia vào năm 2009.

Do sự khắc nghiệt của thời gian và thời tiết xứ Huế, nhiều nhà vườn truyền thống đã và đang dần bị xuống cấp, đồng thời quá trình đô thị hóa cùng với các tác động của lối sống đô thị đã làm phai nhạt dần các giá trị văn hóa đặc trưng truyền thống của nhà vườn, một số nhà vườn bị tháo dỡ hoặc chia cắt, lấn chiếm để xây dựng công trình mới, việc trùng tu bảo tồn những nhà vườn đang ngày một ít đi. Trước thực trạng đó, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2015 - 2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua tại Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 25/4/2015. Đến ngày 11/12/2015, Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND bổ sung danh mục các nhà vườn thuộc Làng cổ Phước Tích vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Qua 5 năm thực hiện Đề án, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nhà vườn Huế đặc trưng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng giải ngân ngân sách nhà nước thực hiện Đề án ước đạt 21.704,926 triệu đồng/tổng số kinh phí được cấp 24.852,806 triệu đồng, đạt tỷ lệ 87,33%. Trong đó có 38 nhà vườn tham gia Đề án được Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo. Cụ thể thành phố Huế có 13 nhà vườn (nhà vườn Hồ Văn Bình, nhà vườn Lê Lương, nhà vườn Hồ Xuân Doanh, phủ thờ Ngọc Sơn công chúa, nhà vườn Hoàng Xuân Bậc, nhà vườn Nguyễn Hữu Thông...) và huyện Phong Điền có 25 nhà vườn (nhà vườn Lương Thanh Phong, nhà vườn Hồ Văn Hưng, nhà vườn Lê Trọng Kiểm, nhà vườn Trương Thị Thú, nhà vườn Lê Trọng Đào, nhà vườn Hồ Văn Tế, nhà vườn Lê Trọng Quân, nhà vườn Lê Trọng Phú...)

Sau khi được trùng tu, tôn tạo, nhiều nhà vườn đã được đưa vào tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo hiệu ứng phát triển mô hình bảo tồn nhà vườn kết hợp kinh doanh du lịch. Một số sản phẩm du lịch đã được hình thành như: tham quan, lưu trú homestay; thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế; ngâm chân với nguyên liệu cây lá trong vườn; tour xe đạp khám phá cuộc sống người dân, các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của cộng đồng dân cư và nghề truyền thống Huế; nói chuyện, trao đổi, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người Huế, bán hàng lưu niệm…

Có thể nói, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2015 - 2020 được triển khai thực hiện trong thời gian qua đã có tín hiệu đi vào cuộc sống, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân về việc bảo tồn và phát huy các nhà vườn truyền thống trong đời sống đương đại, nâng cao vị thế ứng xử văn hóa, thúc đẩy du lịch nhà vườn Huế phát triển bền vững. Thực hiện có hiệu quả Đề án sẽ tạo cơ hội cho du khách trong và ngoài nước có điệu kiện tham quan, thưởng lãm sự sáng tạo độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật nhà vườn Huế, đặc biệt là nghệ thuật sống giao hòa, cộng cảm với cảnh quan thiên nhiên của con người vùng đất Cố đô Huế.

Trần Văn Dũng (Phòng DSVH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày