Giao lưu, trình diễn Bài chòi
Lượt đọc: 1557Thời gian: 14:14 - 30/06/2022

VHH - Nghệ thuật Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, một đặc trưng quý của vùng đất Trung bộ Việt Nam. Năm 2017, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam đã được Unesso ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản chung của 09 tỉnh (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng).

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2018 về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023 nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Bài chòi.

Hô, hát trình diễn nghệ thuật Bài Chòi là một sáng tạo mang đậm sắc thái dân gian của cộng đồng nhân dân các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, được đánh giá là một loại hình nghệ thuật đa dạng, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất và hội họa... Chính vì vậy, hô, hát Bài Chòi, hay hội chơi Bài Chòi mang một màu sắc độc đáo không phải loại hình trình diễn nào cũng có được. Nét độc đáo của nghệ thuật Bài Chòi dân gian chính là những câu vè, điệu hò gần gũi được rút ra từ những câu ca dao, tục ngữ xưa để lại hoặc do anh hiệu, chị hiệu tự phóng tác, sáng tác. Những câu hò, vè mang nội dung ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước... từ đó, giúp chúng ta hiểu được tính cách của người dân xứ Huế mang vẻ đẹp chân chất, ngay thẳng và nhân ái. Ở Huế, nghệ thuật Bài Chòi dân gian có những nét khác biệt so với lối chơi Bài Chòi ở các tỉnh miền Trung khác như Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định. Sự khác biệt ấy thể hiện ở nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một hội Bài Chòi. “Anh Hiệu” sáng tác ra những câu hò có nội dung gợi nghĩ đến những lá bài trong bộ Bài tới mang những hình vẽ dân gian đặc sắc. Hò Bài Chòi góp phần tăng thêm sự hào hứng cho cuộc chơi, giúp người chơi vừa được thưởng thức điệu hò, vừa rèn trí tuệ, trở thành một trò chơi văn chương tao nhã. Hát, hô Bài Chòi là một loại hình văn nghệ không chuyên nên không có ông bầu hay đạo diễn mà diễn viên là những nông phu, nông phụ, trai gái trong làng tự nguyện làm thành viên, là những người có năng khiếu văn nghệ, có giọng hò, câu hát, có tài ứng đối điêu luyện mà trong mỗi làng, mỗi xã chỉ có chừng năm, bảy người. Khán thính giả là những người cùng lao động, những người trong xóm, trong làng hoặc những du khách tham quan về dự hội Bài Chòi. Trò chơi Bài Chòi vừa có tính chất sôi nổi, hào hứng của làn điệu hò mái nhì, mái đẩy vừa khoan thai, trầm lắng như tâm hồn người dân xứ Huế. Thông qua nội dung của những câu hò, có thể tìm thấy trong đó sự ca ngợi tình thương yêu cha mẹ, tình nghĩa thầy trò, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước... Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài Chòi dân gian còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.

Bài Chòi là sự sáng tạo, sự thích nghi và trở thành một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu nhỏ, đầy tính ngẫu hứng, được nhiều người dân vùng nông thôn tham gia hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật Bài Chòi mỗi nơi có một lối chơi riêng, mang truyền thống của từng vùng đất nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may và sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui. Hiện nay, di sản nghệ thuật Bài Chòi còn được thực hành tại các xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy); thị trấn Phú Lộc, xã Vinh Mỹ, xã Vinh Giang (huyện Phú Lộc); thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); xã Hương Lộc (huyện Nam Đông)...Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Bài Chòi có cả một tiến trình chuyển hóa đặc sắc để phù hợp với từng địa phương.

Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Hương Thủy tổ chức chương trình Giao lưu, trình diễn Bài Chòi tỉnh Thừa Thiên Huế tại Cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Qua hai ngày giao lưu (từ 28 đến 29 tháng 6 năm 2022), với không khí vô cùng sinh động, đầy nhiệt huyết và đa sắc màu của không gian nghệ thuật Bài Chòi, mặc dù thời gian chuẩn bị cho giao lưu không nhiều, nhưng với sự chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của các đơn vị tham gia, các nghệ nhân, diễn viên đã thể hiện hết mình với sức truyền cảm và đầy sống động, tạo nên một không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa lành mạnh, trong sáng, phong phú về sắc màu, tạo nên sự gắn kết, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác biểu diễn, dàn dựng. Trong chương trình giao lưu Bài Chòi lần này, đã xuất hiện các nghệ nhân, diễn viên có giọng ca tiềm năng không những chỉ về chất giọng, kỹ thuật hô hát bài chòi mà còn thể hiện các tiết mục bằng cả sắc thái tình cảm của người nghệ nhân, đem lại hiệu quả cảm xúc cho người nghe. Có những tác phẩm vừa mang tính thời sự vừa đi vào cảm xúc tình người mạnh mẽ, đó chính là những hiệu quả của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bài Chòi.

Tuy nhiên, một số chương trình về mặt kết cấu chưa được chặt chẽ, sự sắp xếp các tiết mục chưa được đan xen hợp lý để tạo nên những cung bậc làm hấp dẫn cho người xem. Nhiều tiết mục ca ngợi đất nước, Đảng, Bác Hồ, mang sắc màu hò, vè về Huế… nhưng xét về chất lượng, nội dung chưa mang đậm tính chất của Nghệ thuật Hô hát Bài Chòi. Điều này cũng phần nào dễ hiểu vì các lời cổ, làn điệu liên quan đến Nghệ thuật hát, hô Bài Chòi đang dần mai một tại các địa phương, các nghệ nhân lớn tuổi hầu như không còn khả năng tham gia công tác trao truyền di sản Bài Chòi cho các thế hệ kế cận.

Với khả năng trao truyền các tri thức văn hoá dân gian thông qua hát, hô và trình diễn Bài chòi đã trở thành hình thức sinh hoạt cộng đồng mang tính giáo dục cao, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, việc trao truyền di sản Bài chòi gặp nhiều trở ngại do yêu cầu về năng khiếu, năng lực và sự đam mê, cơ hội, không gian trình diễn, đối tượng khán giả bị thu hẹp, nhiều nghệ nhân tuổi cao, đời sống khó khăn, kinh phí hỗ trợ học và thực hành di sản còn hạn chế.

Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí mang tính chất cộng đồng làng xã. Các thành tố văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục… trong Nghệ thuật Bài chòi được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt văn hóa thiết yếu và phổ biến khắp miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Chính vì thế mà sinh hoạt Bài chòi trở thành môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền.

Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày