A Da Koonh từ bản làng xuống phố
Lượt đọc: 1342Thời gian: 10:04 - 01/07/2022

Tiếng chiêng vang, nhịp trống dồn dập, điệu múa uyển chuyển trong sắc phục rực rỡ… của lễ hội A Da Koonh tưởng chừng chỉ khu trú trong bản làng của người Pa Cô huyện vùng cao A Lưới, nay được trình diễn giữa phố phường, cho người dân và du khách thưởng thức.

Rất nhiều người sẽ không khỏi ấn tượng với các già làng, nam thanh nữ tú của đoàn diễn tái hiện lễ hội A Da Koonh trong đoàn diễn lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” nằm trong chương trình Tuần lễ Festival Huế 2022. Lần đầu tiên, lễ hội dân gian đặc sắc, tiêu biểu đại diện cho đồng bào Pa Cô hòa mình xuống phố. Cùng với các đoàn nghệ thuật từ khắp nơi tụ hội, đoàn nghệ thuật người Pa Cô đã  trình diễn, kể câu chuyện văn hóa làng xã nơi đó có những phong tục, lễ hội đặc sắc vốn riêng có của xứ sở mình.

Ở đó thoát ra khỏi nghi lễ còn là một lễ hội cộng đồng, thoát ra khỏi bản làng, lễ hội hòa mình giữa phố phường cùng với nhiều lễ hội đặc sắc khác. Hơn 30 nghệ nhân người Pa Cô đến từ A Lưới cứ thế phô diễn nét đẹp văn hóa của mình với những nhạc cụ, trang phục truyền thống, vừa đi vừa hát múa, vừa tái hiện nghi thức dâng lễ lên thần linh.

A Da Koonh là lễ hội lớn của dân tộc Pa Cô, thường diễn ra 5 năm một lần vào dịp tháng 11-12 dương lịch. Lễ hội để tạ ơn các vị Giàng như: Giàng A Da, Giàng Xứ, Giàng A Zel, Giàng buôn bán, Giàng bản mệnh, Giàng vật nuôi, Giàng sân vườn… đã ban tặng cho người Pa Cô mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, thịnh vượng, sung túc.

Đi đầu trong đoàn tái hiện, già làng Hồ Văn Hạnh, 75 tuổi thể hiện những điệu múa theo tiết tấu xỉa nhanh, nhộn nhịp, là “linh hồn” của đoàn người Pa Cô giữa phố phường tấp nập. Theo sau khoảng 30 nghệ nhân cũng hòa mình vừa nhảy vừa khiêng những vật thiêng dâng lên các Giàng. Già làng Hạnh nói rằng, A Da Koonh là nơi hội tụ tình người, tình bạn bè láng giềng, tình làng nghĩa xóm. Ở đó không phân biệt già trẻ gái trai, người giàu sang kẻ nghèo hèn. Tất cả mọi người như một, cùng chung vui, cùng tạ ơn.

“Chúng tôi rất vui khi lần đầu tiên đưa lễ hội dân gian của đồng bào mình về phố và trình diễn ở chương trình lễ hội đường phố sôi động như thế. Hy vọng du khách gần xa xem xong sẽ thêm hiểu về văn hóa, con người Pa Cô của chúng tôi”, già làng Hạnh chia sẻ.

Không khó để nhận ra những vật thiêng trong lễ hội A Da Koonh như cây nêu, ngôi nhà sàn, các loài giống, như cây chuối, cây mía, mít, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, tre, cây gỗ… Tất cả được các nghệ nhân rước đi trên đường phố một cách trang trọng chẳng khác gì như đang ở nơi chốn bản làng. Cứ thế, đoàn rước đi tới đâu họ lại cùng nhau phô diễn vũ điệu thân thương trìu mến, hòa nhịp điệu trống rộn ràng giục giã, tiếng chiêng, thanh la vang vọng, tiếng tù và dũng mãnh. Tất cả hòa vào nhau tạo nên âm thanh rộn ràng, nhộn nhịp cho lễ hội A Da Koonh không lẫn vào đâu được.

Chàng trai trẻ 28 tuổi Hồ Thanh Ngôn đi trong đám rước của lễ hội nở nụ cười tươi. Ngôn vừa đi vừa trình diễn các điệu nhảy đặc trưng trong nghi lễ A Da Koonh trong sự reo vui, chúc tụng của khán giả hai bên đường cũng như những tràn pháo tay cổ vũ tại những điểm giao lộ. “Mình từng đi biểu diễn ở nhiều nơi. Nhưng với sân khấu ngoài trời, ở các tuyến đường phố sôi động như thế này thì lần đầu tiên. Mình vui và hạnh phúc khi được góp một phần nhỏ bé giới thiệu lễ hội đặc trưng của người Pa Cô trong một sự kiện lớn như thế”, Ngôn háo hức và mong rằng sẽ có thêm nhiều lần trình diễn như thế.

HU (Theo Nhật Minh-Báo TT Huế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày