Chùa Ba La Mật, những nét riêng kỳ thú
Lượt đọc: 2944Thời gian: 10:44 - 01/06/2023

Khác với các ngôi chùa tổ thường được tạo lập trên các triền đồi núi hoang vu phía tây nam Kinh thành Huế, chùa Ba La Mật được xây dựng ở vùng đồng bằng phía đông nam Kinh Thành. Chùa do một vị quan dưới triều Nguyễn xây dựng trên khuôn đất của dòng họ Nguyễn Khoa. Chùa Ba La Mật là một trong những sơn môn danh tiếng của Phật giáo Thừa Thiên Huế. Nơi đây ghi dấu quá trình tu tập và hoằng pháp của tổ sư đời thứ 41 dòng Lâm Tế chính tông, đời thứ 7 Thiền phái Liễu Quán. Ngôi chùa do Viên Giác Đại sư khai sơn đến nay đã gần 1,5 thế kỷ và được các đệ tử kế tục trùng kiến theo phong cách kiến trúc chùa Huế ngày thêm quy cũ và tôn nghiêm.

 

1. Ngôi chùa gắn với dòng họ khoa bảng dưới triều Nguyễn...

Khai sơn chùa Ba La Mật là Viên Giác Đại sư, húy Nguyễn Khoa Luận (1834-1900). Cụ đỗ cử nhân thứ 16 khoa Tân Dậu, triều Tự Đức thứ 14 (năm 1861) và là cử nhân khai khoa của dòng họ Nguyễn Khoa. Trong các năm từ 1863 đến 1885 cụ kinh các các chức: Kiểm thảo Bộ Lại, sau đó thăng Biên tu rồi Chủ sự Bộ Lại; Tri phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa; Án sát Quảng Bình;Thị lang Bộ Binh (trật chánh tam phẩm); Chánh sứ sơn phòng Cam Lộ, Quảng Trị; Án sát Thanh Hóa; Bố chánh Quảng Ngãi.

Trong thời gian Nguyễn Khoa Luận làm quan, đất nước đứng trước nạn xâm lăng của thực dân Pháp. Lòng đầy hoài bão, cụ đã dâng sớ xin cử người xuất dương học kỹ thuật và quân sự nước ngoài, mua súng tốt và cải cách quân đội để khôi phục các tỉnh đã mất nhưng không được triều đình chấp nhận. Sau khi Pháp chiếm kinh thành (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, cụ phẫn uất, đau xót trước nhục mất nước, cụ treo ấn từ quan. Để lẩn tránh sự theo dõi của lớp tay sai, cụ ẩn mình trong chốn thiền môn, lang thang từ núi này qua núi khác, vui với cảnh lâm tuyền tịch mịch. Cụ cũng thường vân du các chùa ngoại tỉnh như chùa Non Nước ở Quảng Nam, chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, chùa Thạch Động ở Ba Lò gần Bình Định.... Một hôm cụ ghé vô chùa Từ Hiếu gặp ngài Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, cụ mới đem hai chữ “Vô sinh” trong giấc chiêm bao ngày trước ra hỏi thì được Hòa thượng cắt nghĩa rằng: Trong thế giới tam giáo, Khổng giáo chủ sinh sinh, Đạo giáo chủ trường sinh, Phật giáo chủ vô sinh. Có lẽ Phật khuyên ông quy thiền thì phải hơn. Khi đó, cụ mới tỉnh ngộ mà xuất gia thế phát ở chùa Thiên Hưng, tu trường trai khổ hạnh. Năm 1886, gia đình lập ngôi chùa nhỏ bên trong khu đất của từ đường Nguyễn Khoa để cụ tu tập. Năm 1891, cụ thọ Tỳ kheo giới với Đại lão Hòa thượng Cương Kỷ tại Đại giới đàn chùa Bảo Quốc. Năm 1894, cụ thọ Bồ tát giới, đặc húy Thanh Chân, hiệu là Viên Giác.

Trong thời gian tu hành, ngài hết sức tinh tấn khổ hạnh, giới luật tinh nghiêm. Ngài xa lánh tất cả những gì mà người đời coi trọng, một lòng cung kính phùng tăng đảnh lễ, ngộ Phật quy y, không phân biệt địa vị sang hèn hơn kém, đặc sắc nhất là hạnh bố thí và phóng sanh. Năm 1895, Đại sư nhận Công Tôn Hoài Trấp (thuộc dòng Định Viễn Quận Vương) để hướng dẫn tu tập và đặt cho pháp danh Trừng Thông, pháp hiệu Viên Thành.

Trước khi Viên Giác Đại sư viên tịch (1900), Đại sư dặn dò công việc với đệ tử, trao trách nhiệm kế thế cho đại đệ tử Viên Thành và có để lại bài kệ:

Tào Khê nhất phái thủy Đông lưu,

Bình bát chân truyền bất ký thu.

Giáo ngoại bản lai vô biệt sự,

Viên Thành tâm pháp ấn tiền tu.

Dịch:

Khe Tào nước chảy về Đông,

Bát bình nối dõi lâu không nhớ ngày.

Trăng Thiền nào khác xưa nay,

Viên Thành ấn chứng đã dày công tu.

(Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch)

2. Các vị sư trú trì và kiến thiết chùa Ba La Mật

Viên Thành Đại sư (thế danh Công Tôn Hoài Trấp) sinh năm 1879, thuộc dòng Định Viễn Quân Vương và có quan hệ huyết thống với vợ của Viên Giác Đại sư. Viên Thành nhập tự tu tập tại chùa Ba La Mật lúc 15 tuổi, xuất gia năm 1895. Đại sưu trú trì chùa Ba La Mật từ năm 1900, đến năm 1923 Viên Thành Đại sư đã khai sơn chùa Tra Am và tu tập nơi đây. Chùa Ba La mật được giao cho Trí Hiển Đại sư làm tự trưởng, chùa được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1924. Thượng Nhân viên tịch năm 1925.

Phạm Quỳnh đã viết về Đại sư: Cao tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trú trì chùa Ba La Mật ở làng nam Phổ, cách Huế độ bốn năm ki-lô-mét. Chùa đó của một ông quan lớn họ Nguyễn Khoa dự ra. Thượng Nhân tu ở đấy từ thuở lên 17, nay niên tuần đã ngót khoảng bốn mươi... Bước chân vào tịnh xá, tưởng như nơi văn phòng của nhà thi nhân tao khách nào. Không phải đồ bày biện đẹp, không phải là cách trang sức khéo, nhưng bởi cái khí vị riêng của nó phảng phất ở trong cái phòng ấy.

Sư Trí Hiển làm tự trưởng chùa Ba La Mật từ năm 1923. Năm 1925, sư trú trì chùa Ba La Mật kiêm nhiệm giám tự chùa Tra Am. Năm 1937, chùa Ba La Mật được trùng tu lần thứ hai. Sư Trí Hiển viên tịch năm 1940. Vị đệ tử cao túc của Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Am là Hòa thượng Trí Thủ kế thế trú trì chùa Ba La Mật.

Hòa thượng Trí Thủ sinh năm 1909 tại Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 17 tuổi, Ngài xuất gia với Viên Thành Thượng Nhân ở chùa Tra Am, có pháp danh là Tâm Như, pháp tự Đạo Giám. Năm 1929, Ngài đỗ thủ Sa di trong số 300 giới tử ở Giới đàn chùa Từ Vân, Đà Nẵng; do đó, bổn sư đã cho pháp hiệu là Trí Thủ. Năm 1943, Hòa thượng Trí Thủ đã mở cuộc trùng tu chùa lần thứ ba. Ngôi chánh điện kiến trúc theo lối “trùng thiềm” hai tầng mái; trên nóc có rồng uốn quay đầu vào chầu một mặt rồng và bánh xe pháp có chữ “vạn” ở giữa; hai bên có chung lâu và cổ lâu. Về sau, Hòa thượng Thích Trí Thủ đã đảm trách nhiều Phật sự quan trọng của Giáo hội. Đến năm 1953, Hòa thượng giao nhiệm vụ trú trì chùa Ba La Mật cho đệ tử của Ngài là Hòa thượng Đức Trì. Hòa thượng viên tịch năm 1984 tại tu viện Quảng Hương Già Lam, thành phố Hồ Chí Minh.

Hòa thượng Đức Trì đầu sư học đạo với Hòa thượng Trí Thủ vào năm 1943 tại chùa Báo Quốc. Năm 1947 được thọ Sa di giới; năm 1951, được thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Báo Quốc. Tháng 4 năm 1973, Hòa thượng đã cho sửa lại Tăng xá, xây điện Quán Thế Âm, đúc đại hồng chung nặng 450 kg, cao 1,55m. Năm 2000, Hòa thượng đã cho xây dựng lại ngôi phạm vũ, dựng tượng đài Tổ khai sơn nhân kỷ niệm 100 năm húy nhật Tổ khai sơn. Hòa thượng Đức Trì viên tịch vào năm 2001.

Vị trú trì chùa Ba La Mật hiện nay là Thượng tọa Thích Thường Chiếu. Thượng tọa đã có nhiều đợt kiến thiết, mở rộng không gian cảnh quan, tôn tạo ngôi chùa theo kiến trúc chùa Huế. Chính điện ở giữa chùa thờ tam thế Phật; hai gian tả, hữu thờ Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát; hậu tẩm thờ Tổ và phối thờ các Phật tử vãn sanh của chùa một cách tôn nghiêm. Chùa thường xuyên tổ chức các hoạt động tu học, từ thiện xã hội … cho Phật tử và người dân trong vùng.

Trần Vũ
Các tin khác
Xem tin theo ngày