Ban đầu Đình làng được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, sau dần có điều kiện kinh tế thì dân làng đóng góp xây dựng bằng gỗ, tường gạch, mái lợp ngói liệt. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đình được trùng tu và sửa chữa nhiều lần để làm nơi thờ cúng Thành hoàng và các chư vị khai canh, khai khẩn. Tài liệu của làng ghi lại, đình được xây dựng khang trang vào năm Gia Long thứ 2 (1803). Lúc này, việc thờ các vị khai canh, khai khẩn được thờ tạm ở chùa Thanh Long (chùa làng), sau năm 1803 mới được chuyển ra đình làng. Đình được tiểu tu 1845, đại tu 1902, xây dựng lại 1940, đại tu năm 1944. Đình Hà Thanh được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, có kết cấu và bố cục kiến trúc mang đặc trưng của ngôi đình xứ Huế, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng bố cục và hình dáng kiểu thức của ngôi đình vẫn còn nguyên vẹn.
Giá trị nổi bật của đình Hà Thanh chính là chứng tích lịch sử, ghi dấu quá trình phát triển của một vùng quê ven biển đặc thù với nghề làm muối và đánh bắt thủy sản. Đây là ngôi đình gắn liền mật thiết với quá trình hình thành và phát triển của làng Hà Thanh, là biểu trưng cho quá trình tụ cư, biến đổi và phát triển đa dạng của các thành phần cư dân nơi đây, nói lên tinh thần đoàn kết, gắn bó của mỗi cá nhân trong cộng đồng cùng sự đóng góp nhiều mặt của người dân vào những bước đi lên của địa phương và đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Hà Thanh cùng với các khu vực lân cận là những nơi đã diễn ra nhiều hoạt động yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Những tài liệu, hiện vật quý hiếm còn gìn giữ tại đình như bi ký, liễn đối, hoành phi, sắc phong, các văn bản Hán - Nôm…. là nguồn tư liệu quan trọng của làng, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương nói riêng và của người Việt nói chung. Đây cũng chính là một trong những thiết chế văn hoá làng xã còn được lưu giữ, duy trì và phát huy tốt trong đời sống hiện tại của Nhân dân địa phương. Thông qua những sinh hoạt lễ hội tại đình làng khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, ý thức dân tộc để đoàn kết, gắn bó cộng đồng trách nhiệm, ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại.
Với những giá trị lịch sử, Đình Hà Thanh được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 709/QĐ-UBND ngày 21/3/2024.
Việc được công nhận di tích lịch sử cấp tích nhằm kịp thời phát huy giá trị di tích trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, đồng thời kết hợp với các tour du lịch sinh thái, tham quan các đền miếu, lăng tẩm phục vụ khách tham quan tìm hiểu văn hóa tâm linh và phát huy tiềm năng vốn có của di tích lịch sử, bên cạnh đó việc đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bà con Nhân dân làng Hà Thanh nói riêng mà còn là vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vinh Thanh nói chung, qua đó góp phần tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng giá trị di tích, khẳng định những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, tiêu biểu của di tích Đình Hà Thanh.