Festival nghề truyền thống Huế: Nuôi dưỡng truyền thống - Gắn kết tương lai
Lượt đọc: 80286Thời gian: 07:39 - 09/02/2017

(VHH) - 12 năm từ khi Festival nghề truyền thống Huế đầu tiên được tổ chức, tới nay, chương trình đã trở thành sự kiện văn hóa kinh tế có nghĩa quan trọng trong việc khẳng định, nâng cao vị thế của Cố đô Huế - thành phố di sản - thành phố Festival của Việt Nam; đồng thời góp tiếng nói và hành động trong việc lưu giữ những giá trị trân quý của nghề truyền thống trên dòng chảy xã hội hiện nay.

Cùng với Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế đã trở thành món "đặc sản" trực tiếp, gián tiếp hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tới với xứ Huế mộng mơ.

Giới thiệu tinh hoa nghề Việt

Các làng nghề truyền thống tại Huế ra đời và phát triển gắn bó với từng vùng đất, địa danh. Người ta nhớ đến làng nghề đan lát Bao La tại Quảng Điền, Dệt Zèng  nơi vùng cao A Lưới, làng nghề đúc đồng tại Thủy Xuân, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng nghề gốm Phươc Tích, làng kim hoàn Kế Môn, làng nón Lá… Lịch sử các làng nghề gắn bó chặt chẽ với lịch sử mảnh đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, bởi vậy mỗi sản phẩm từ các làng đều thấm đượm bản sắc Huế, con người Huế cũng những tinh hoa của nghề được truyền lại qua nhiều thế hệ, qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử.

Năm 2005, khi Festival nghề truyền thống Huế đầu tiên được tổ chức, người dân trầm trồ với những sản phẩm thêu truyền thống, những chiếc áo dài thướt tha, những chiếc nón lá bình dị. Năm 2007 là năm của làng nghề chạm khắc, đúc, kim hoàn. Năm 2009 là cuộc hội ngộ của Gốm sứ, Pháp lam và sơn mài. Năm 2011 tôn vinh ẩm thực Huế đặc biệt là cơm muối Huế. Tiếp đến trong năm 2013, 2015 với tiêu điểm là làng hoa giấy Thanh Tiên...

Mỗi năm, Festival đều có những sản phẩm mới lạ bên cạnh những làng nghề truyền thống gắn bó với Festival từ những ngày đầu tiên. Và theo đó, những làng nghề truyền thống của Huế cũng như các làng nghề truyền thống trên cả nước được tôn vinh. Người dân Huế nói riêng và người dân Việt Nam nói chung thêm tự hào bởi những sản phẩm nghề truyền thống của quê hương tưởng chừng rất đỗi bình dị lại mang giá giá trị văn hóa, kinh tế lớn lao. Cũng từ Festival mà nhiều làng nghề đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn tại Thừa Thiên Huế cùng với Di sản Hoàng thành Huế như: làng hoa giấy Thanh Tiên, khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề Tịnh Tâm Kim Cổ, làng gốm Phước Tích...

Bên cạnh các làng nghề truyền thống của Thừa Thiên Huế, Festival còn có sự tham dự của nhiều làng nghề trên cả nước như: làng gốm Bát Tràng, làng dệt Vạn Phúc (Hà Nội), làng mộc Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Dệt lanh thổ cẩm truyền thống Hà Giang, Đậu bạc làng Định Công (Hà Nội), làng dệt lụa Hội An, làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận...

Có thể nói Festival nghề truyền thống Huế là cuộc hội ngộ của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu, cuộc biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng những bàn tay vàng của các làng nghề thủ công truyền thống của Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó, Festival nghề truyền thống đã từng bước góp phần thúc đẩy mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các nghề, làng nghề truyền thống; thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch.

Có gì mới tại Festival nghề truyền thống Huế 2017

Tiếp nối những thành công của Festival nghề truyền thống trước đây, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII năm 2017 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" sẽ được tổ chức từ 28/4 - 02/5/2017 tại thành phố Huế với nhiều hoạt động hấp dẫn.

Đúng như nhận định của ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Chuyên đề Huế 2017, “các hoạt động của Festival nghề năm nay sẽ đi vào thực chất hơn” với sự tham gia của các làng nghề như thêu, dệt, pháp lam, kim hoàn, chạm khảm, mỹ nghệ đồng, trúc chỉ, gốm, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, tranh Đông Hồ... và các loại bánh, đặc sản ẩm thực Huế.

Tới nay đã có 41 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước  tham dự Festival. Đặc biệt, trong năm 2017, có 2 làng nghề lần đầu tiên tham dự Festival đó là làng dệt đũi, tơ tằm xã Nam Cao thuộc tỉnh Thái Bình và làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Ban Tổ chức, các nội dung chính của Festival nghề truyền thống Huế 2017 bao gồm: Lễ khai mạc gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc tối 28/4/2017; Không gian nghệ nhân và các làng nghề tập trung giới thiệu, trưng bày, thao diễn và kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống của các nghệ nhân Huế và các nghệ nhân tiêu biểu đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia thao diễn, tạo hình sản phẩm và giao lưu giữa nghệ nhân với khách tham quan; Lễ Tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề; Hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập nổi tiếng...; Lễ hội áo dài; Lễ hội ẩm thực...

Trong đó điểm nhấn của chương trình năm nay là không gian trưng bày, thao diễn, giới thiệu các sản phẩm nghề truyền thống được bố trí dọc theo đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Văn hóa Huế và một số khu vực công viên phía nam sông Hương.

Hy vọng với sự đầu tư kỹ lương công phu của Ban tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách trong và ngoài nước; tiếp tục khẳng định thương hiệu, tạo dựng uy tín, đồng thời, tạo cơ hội tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư vào các sản phẩm nghề truyền thống; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề với du lịch và thị trường tiêu thụ.

Theo Gia Linh (CINET)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày