Chỉ thị nêu rõ, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước diễn biến rất phức tạp, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện các ca bệnh trở lại, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn. Nhằm kiểm soát tốt tình hình, đẩy mạnh và phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID19, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, người dân tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thực hiện nghiêm các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các kết luận, chỉ thị, điện, công văn. Bám sát các chủ trương, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia để chỉ đạo, chủ động triển khai phù hợp, linh hoạt với thực tiễn địa phương, đơn vị. Tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Tiếp tục yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”, không được chủ quan, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay. Hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người (kể cả việc cưới, việc tang) trên địa bàn.
2. UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát, thống kê khả năng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch của tỉnh về: cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực, năng lực xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin… Kịp thời tổng hợp khả năng có thể hỗ trợ về bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên; sẵn sàng “chia lửa” với các địa phương để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh trên cả nước. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại văn bản 971/TTg-KGVX, ngày 18/7/2021.
3. Sẵn sàng các phương án đón tiếp, bố trí công dân Thừa Thiên Huế trở về từ các địa phương có dịch, bảo đảm nguyên tắc, quy định phòng, chống dịch. Có phương án, kế hoạch bố trí, thành lập mới các cơ sở cách ly; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn tối đa tại các khu cách ly.
4. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân toàn tỉnh chung tay, góp sức, chia sẻ khó khăn với các tỉnh, thành trong nước, nhất là tập trung hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
5. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, ổn định phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
6. Ngành Y tế tỉnh, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường Đại học Y Dược tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, đồng hành cùng với tỉnh trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ nghiêm ngặt các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn. Đẩy mạnh nghiên cứu, nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị… Phối hợp triển khai có hiệu quả chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng, chống COVID-19.
Chủ động lên kế hoạch và kịp thời thực hiện mua sắm tập trung trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời các loại vật tư y tế, trang thiết bị, máy thở... Huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi có tình huống xấu hơn; chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra. Thường xuyên và kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để kịp thời chỉ đạo. Đối với các chủ trương, biện pháp có tác động lớn, ảnh hưởng đến xã hội, dân cư, cần trao đổi thống nhất trong Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện.
7. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Giao thông Vận tải bảo đảm hàng hóa, lương thực, các hàng hóa thiết yếu được vận tải, lưu thông thông suốt giữa các địa phương; kiểm soát các phương tiện vận tải bảo đảm yêu cầu quy định phòng, chống dịch; Sở Công Thương bảo đảm cung ứng hàng hóa; Sở Tài chính bảo đảm cân đối nguồn tài chính, kịp thời bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch cho năm học mới bảo đảm an toàn cho học sinh.
8. Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp, kiểm soát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội về địa phương, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Phát huy vai trò của các lực lượng tại địa phương, nhất là Tổ phòng, chống dịch cộng đồng.
9. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ để kịp thời hỗ trợ đến người dân, doanh nghiệp, bảm đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật.
10. Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND các cấp, trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến phòng, chống dịch; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phù hợp, hiệu quả. Bí thư cấp ủy địa phương chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu để dịch bệnh lan rộng.
11. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp kịp thời thông tin cho nhân dân, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương rà soát, tiếp tục ứng dụng có hiệu quả công nghệ trong phòng, chống dịch. Đồng thời, tập trung rà soát các quy định, hướng dẫn, cập nhật thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn phù hợp với tình hình mới.
12. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái, cùng với nhân dân cả nước nỗ lực, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh COVID-19.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, các ban, Ủy ban Kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp để giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này.