Đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số, quản lý hiệu quả phương thức phát hành và phổ biến phim trên nền tảng kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến
Lượt đọc: 20753Thời gian: 23:16 - 14/09/2021

(VTH) - Đó là nội dung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị cần tạo dựng hành lang pháp lý quy định và hỗ trợ việc áp dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến khác nhằm quản lý và hỗ trợ công nghiệp điện ảnh phát triển tại buổi trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) diễn ra tại Nhà Quốc hội ngày 14/9/2021.

Theo đó, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung, trong đó một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác như quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” dẫn đến một số công ty phát hành phim sở hữu hệ thống nhiều cụm rạp đã chi phối thị trường chiếu phim, hạn chế việc nhập khẩu phim của các công ty phát hành phim không có rạp chiếu phim.

Quy định “Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp. Một số hành vi vi phạm về sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu trữ phim, nhân bản không còn phù hợp với tình hình thực tiễn và đã được điều chỉnh cụ thể bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp với 04 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua bao gồm:

Chính sách 1: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim.

Chính sách 2: Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam.

Chính sách 3: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước.

Chính sách 4: Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 52 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 25 điều, quy định mới 27 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ 2 vấn đề đó là: Thứ nhất, quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước; Thứ hai, phổ biến phim trên không gian mạng.

Liên quan đến quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phương án 1: Sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng. Phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công. Phương án 2: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1: “Sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng”. Cơ quan chủ trì soạn thảo mong muốn các Bộ, ngành, các cơ quan ủng hộ phương án này để khắc phục những bất cập trong thời gian qua khi phải xin cơ chế đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Đề cập đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, Dự thảo Luật đưa ra 02 phương án:

Phương án 1: Dự thảo Luật quy định “Phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, phương án này tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.

Phương án 2: Dự thảo Luật quy định: “Chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng. Đối với phim chưa được cấp phép phải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng”.

Ngoài 2 phương án trên, các đại biểu cũng đề xuất thêm phương án 3 là kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý của 2 phương án trên.

Nguồn Cổng TTĐT Bộ VHTTDL
Các tin khác
Xem tin theo ngày