Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế”
Lượt đọc: 1389Thời gian: 15:07 - 09/07/2024

Sáng ngày 5/7/2024, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế đã tổ chức nghiệm thu đề tài Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế". Đề tài do Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện, ThS. Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu do TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KHCN làm Chủ tịch Hội đồng và 9 thành viên là nhà khoa học, các nhà quản lý Văn hóa, Khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Đến dự có TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, TS. Chu Đức Tính, Chuyên gia nghiên cứu về Hồ Chí Minh và đại diện các sở ban ngành liên quan, đại diện các đơn vị phối hợp, nhóm thực hiện đề tài, các phóng viên báo chí đến dự và đưa tin.
Đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế” có sự tham gia của Hội Văn nghệ dân gian và các phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, được triển khai trong 26 tháng. Mục tiêu chung của Đề tài là nhằm xác minh, thống kê, sưu tầm các di sản phi vật thể về Người; tiến tới bảo tồn, phát huy làm phong phú di sản văn hóa liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, tạo cơ sở dữ liệu khoa học phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền về giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế.
Những nội dung nghiên cứu chính của đề tài là: Những vấn đề lý luận và các nhân tố hình thành di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thiên nhiên, con người, lịch sử vùng đất; thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế; Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế, Thừa Thiên Huế với Bác Hồ; Nghiên cứu khảo sát, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, xác định các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế bao gồm Ngữ văn dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tập quán xã hội và tín ngưỡng về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghi lễ đặt họ Hồ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở miền Tây Thừa Thiên Huế, các hình thức thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế (ở đền thờ, nhà riêng, đền, đình, chùa…), Lễ hội, lễ cúng dân gian liên quan đến các Di tích thời niên thiếu của Người ở Huế, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác tiếp cận được trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm; Thẩm định, lập danh mục kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh.


 Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tư liệu lưu trữ, khảo sát trên 1.050 nhân chứng trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế; tiếp cận trên 300 người phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình (bao gồm hình ảnh tĩnh và hình ảnh động) và các hoạt động khác, lập hồ sơ lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu và bảo tồn lâu dài di sản văn hóa phi vật thể, bước đầu xác định tên gọi, loại hình, chủ thể văn hóa, không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm và giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa phi vật thể; góp phần định hình toàn diện về di sản văn hóa phi vật thể của Người ở Thừa Thiên Huế với những kết quả cụ thể:
Đề tài đã đánh giá thực trạng, thống kê các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tồn tại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế (tập trung ở các loại hình: Ngữ văn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống); Tiến hành lập hồ sơ kiểm kê, hồ sơ khoa học được 05 di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh (gồm các loại hình: Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Truyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hành tín ngưỡng thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế; Kỹ thuật chế tác và sáng tạo hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ nhân nghề truyền thống Huế); Xây dựng được đề án bảo tồn và các giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; Xây dựng được kho dữ liệu phong phú về di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ công tác nghiên cứu; Từng bước tư liệu hóa, số hóa di sản qua các sản phẩm ghi âm, ghi hình; Thực hiện phim ngắn tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh; Góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phát huy giá trị di sản.    


Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nghiêm túc nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài, khẳng định tính mới và sát thực của những kết quả nghiên cứu và các sản phẩm mà nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện. Hội đồng đã nghiêm túc đánh giá, sôi nổi thảo luận và đã thống nhất nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế". Đề xuất chuyển giao kết quả nghiên cứu cho ngành Văn hóa và Thể thao để chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, tiến hành xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống giá trị di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập và quảng bá.

BTHCM
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày