Hội nghị giao trực tiếp nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh về thực hiện "Nghiên cứu xây dựng CSDL về lễ hội ở Thừa Thiên Huế".
Lượt đọc: 22087Thời gian: 01:01 - 19/09/2021

(VTH) - Sáng ngày 18/9, tại Sở Khoa học Công nghệ, Hội đồng Khoa học công nghệ đã nghe Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo thuyết minh thực hiện nhiệm vụ khoa học (Đề tài) “Nghiên cứu xây dựng CSDL về lễ hội ở Thừa Thiên Huế”. Tham gia Hội đồng khoa học có các thành viên đang công tác tại các đơn vị: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Du lịch; Trung tâm CNTT tỉnh; Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Thừa Thiên Huế; Trung tâm BTDTCĐ Huế; Hội văn nghệ dân gian Huế và các nhà nghiên cứu khoa học. Đề tài do TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao làm Chủ nhiệm và Sở Văn hoá và Thể thao là đơn vị chủ trì đề tài.

Thừa Thiên Huế có một kho tàng lễ hội phong phú và đa dạng, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” để số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở VHTT, chủ nhiệm đề tài trình bày các nội dung thực hiện Đề tài

Trình bày báo cáo thuyết minh tại Hội nghị, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, Chủ nhiệm đề tài cho biết, gần đây các đề tài về Khoa học xã hội và nhân văn đang được tỉnh quan tâm và cũng phù hợp với yêu cầu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…”

Mục tiêu đề tài nhằm tạo được danh mục các lễ hội tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế được tích hợp trên nền GISHue; đề xuất các giải pháp bảo tồn, quản lý, cung cấp và cập nhật thông tin về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế được tích hợp trên nền GISHue.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Hội nghị.

Sản phẩm dự kiến của đề tài có 2 dạng: Báo cáo khoa học (Bộ phiếu điều tra khảo sát; danh mục các lễ hội tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế; Cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế được tích hợp trên nền GISHue; Đề xuất các giải pháp bảo tồn, quản lý, cung cấp và cập nhật thông tin về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế được tích hợp trên nền GISHue; Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài); Bài báo, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác (Có 2 hoặc 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành; Biên soạn và xuất bản 1 cuốn sách về lễ hội ở Thừa Thiên Huế).

PGS.TS Bùi Thị Tân - Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế, Ủy viên phản biện.

Lợi ích của đề tài có sự tác động đến xã hội. Số hóa, lưu trữ phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát triển di sản lễ hội. Phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Phục vụ công tác khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội; tạo cơ sở khoa học để lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế nhằm lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, đề tài góp phần còn nâng cao năng lực nghiên cứu của các cá nhân thông qua tham gia thực hiện với  kinh nghiệm thực tiễn trong công tác nghiên cứu khoa học và khả năng hiểu biết về chuyên môn, nghiệp vụ một cách sâu sắc.

TS Hoàng Bảo Hùng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên phản biện.

Sau khi nghe đại diện đơn vị chủ trì đề tài trình bày thuyết minh, Hội đồng tiến hành thảo luận về mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu, dự kiến kết quả sản phẩm KH&CN; khả năng ứng dụng; phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và năng lực của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Đề tài cũng được các thành viên Hội đồng đánh giá có tính cấp thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao với kết quả 86,66 điểm.

TS Lê Thị An Hoà – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thành viên

Các thành viên nhấn mạnh một số kết quả bước đầu mà nhóm thực hiện đề tài đã đạt được, đồng thời đề nghị nhóm thực hiện cần hoàn chỉnh, rà soát diễn giải tiêu chí phân loại các lễ hội; cần lựa chọn một số lễ hội có sự đặc trưng của Huế để triển khai cơ sở dữ liệu như 3D để quảng bá du lịch và văn hoá Huế. Cần chú trọng đến tính phát triển hệ thống, kết nối, chia sẻ và kế thừa các nguồn dữ liệu; xây dựng các biểu mẫu, phiếu điều tra cho phù hợp; kết nối và phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan trong việc xây dựng các giải pháp để có tính ứng dụng cao trong quản lý, cũng như phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của các thành phần, người dân, du khách…

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày