Hiệu quả
Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có số di sản văn hóa nhiều bậc nhất ở Việt Nam, đáng chú ý là 5 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung nhìn nhận, những năm qua, nhờ địa phương hợp tác với một số đối tác, đơn vị của Pháp như Chính phủ Pháp, Vùng Poitou-Charentes, Vùng Nord-Pas de Calais, TP Paris, TP Lille... mà hệ thống di sản văn hóa vật thể được tu bổ, tôn tạo đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, ngày càng hoàn chỉnh, từng bước trở về với diện mạo vốn có trong lịch sử. Đặc biệt, Festival Huế được tổ chức từ những năm 2000 đến nay chính là biểu tượng sinh động nhất của sự hợp tác di sản- văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Ngoài định hướng tổ chức trong những ngày đầu, các đối tác và địa phương Pháp còn theo dõi và định hướng trong suốt những kỳ Festival Huế vừa qua.
Hà Nội cũng là địa phương nhiều năm qua thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa với sự trợ giúp của TP Toulouse (Pháp). Đơn cử như khu Phố cổ Hà Nội, sau nhiều biến thiên của thời gian đã xuống cấp khá nghiêm trọng. Từ năm 1996, TP Toulouse đã hỗ trợ Hà Nội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị khu Phố cổ với hai lĩnh vực chính là hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể và hỗ trợ trùng tu di sản kiến trúc đô thị nhằm cải thiện điều kiện sống cho người dân Phố cổ. Theo ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, 20 năm qua, các công trình phục dựng, bảo tồn kiến trúc cổ dưới sự giúp đỡ của chính quyền TP Toulouse đã cho hiệu quả rõ nét. Đơn cử như ngôi nhà 87, phố Mã Mây đã được trùng tu, cải tạo từ năm 1998 trong khuôn khổ hợp tác giữa hai thành phố, trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của du khách. Từ chỗ nguy cơ sụp đổ, sau khi bảo tồn, năm 2015, ngôi nhà đã đón gần 26 ngàn lượt khách và đã được các sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng thế giới như Routard, Lonely Planet... ghi danh những điểm cần đến khi thăm Hà Nội. Một điển hình khác là Trung tâm Thông tin Phố cổ Hà Nội khi TP Toulouse đã hỗ trợ thực hiện triển lãm giới thiệu quá trình trùng tu di tích và triển lãm cố định chủ đề "Phố cổ- Trường tồn và phát triển" tại đây.
Ông Pierre Pisani, Giám đốc Cơ quan khảo cổ học vùng đô thị Toulouse, nhận định, hợp tác giữa cơ quan này và Thủ đô Hà Nội trong lĩnh vực di sản đang đạt những kết quả bền vững. Riêng đối với di sản Hoàng Thành Thăng Long, sau quá trình nghiên cứu, phục dựng dưới sự hỗ trợ của Toulouse, từ một không gian đổ nát đã trở thành di sản thế giới, thu hút khách du lịch. Đặc biệt, cách đây chưa lâu, trong một triển lãm di sản ở TP Toulouse, hình tượng đầu rồng và lá đề trang trí chim phượng- những hiện vật tiêu biểu thời Lý đã được chính quyền thành phố chọn trưng bày trang trọng.
Bảo tồn "xanh" và bền vững
Tại Hội thảo chuyên đề Di sản - Văn hóa do chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Nîmes (Pháp) đồng chủ trì vào sáng 15-9, trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 10 diễn ra tại TP Cần Thơ, ngoài đánh giá hiệu quả hợp tác giữa các địa phương hai nước, đại biểu còn nêu vấn đề về hướng phát triển di sản bền vững, hài hòa với thiên nhiên.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Cao Chí Hải cho biết, Huế là thành phố vinh dự được công nhận là TP Festival của Việt Nam, TP Văn hóa ASEAN, TP Xanh quốc gia. Thông qua các quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hướng tới việc xây dựng đô thị Huế với mô hình đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường". Trong đó, chiến lược phát triển du lịch di sản hướng tới tăng trưởng xanh, tạo tiền đề cho di sản phát triển bền vững trong tương lai là chiến lược lâu dài, phù hợp với xu thế hiện nay. Để hướng đến phát triển di sản xanh, thời gian tới, tỉnh tập trung các công việc: Khai thác phát huy các di sản góp phần bảo tồn di sản bền vững; Phát triển du lịch di sản gắn với cải tạo và bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái; Phát triển du lịch gắn với nâng cao ý thức của người dân tại các khu di sản.
Cùng ý tưởng này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Đinh Hài cho rằng, địa phương đang sở hữu những di sản mang giá trị toàn cầu: Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới năm 1999. Ngoài ra, hệ thống công trình cổ, đền tháp, các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng là điểm thu hút du khách. Địa phương xác định phát triển du lịch "xanh"- nghĩa là bảo tồn giá trị vốn có, không làm biến dạng, thay đổi hoặc phá vỡ không gian, cấu trúc sẵn có. Cách làm này vừa ít đầu tư lại tạo cho du khách tìm về với sự cổ kính, hoài niệm và quan trọng nhất là bảo tồn nguyên thủy các di sản văn hóa. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đưa ra những con số về phát triển du lịch từ hiệu quả của cách bảo tồn di sản này. Năm 2015, Quảng Nam đón trên 3,85 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 1,9 triệu lượt. Riêng Phố cổ Hội An, từ chỗ chỉ đón khoảng 200.000 lượt khách năm 1999 đã tăng trên 10 lần trong năm 2015, đạt khoảng 2,2 triệu lượt.
Hiện nay, du lịch đang được các địa phương của Việt Nam chọn là ngành kinh tế mũi nhọn. Trong bối cảnh đó, di sản đô thị và văn hóa luôn được xem là yếu tố chiến lược, thu hút khách du lịch. Việc bảo tồn di sản không còn là một "gánh nặng" mà là tiền để để phát triển kinh tế. Bà Fanny, đồng Giám đốc Trung tâm Dự báo và nghiên cứu đô thị vùng Lyon - PADDI, cho biết, từng tham gia nhiều dự án bảo tồn di sản tại TP Hồ Chí Minh, bà nhận thức tầm quan trọng của việc giữ môi trường trong lành trong tổng thể di sản đô thị. Vì vậy, cần thiết xác định khu vực di sản văn hóa phải bảo tồn, từ đó có chính sách quy định cụ thể của các ngành liên quan với sự phát triển, xây dựng mới. Bà Fanny cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa vật thể cần thiết gắn liền di sản văn hóa phi vật thể: lễ hội, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, lối sống... của cư dân; trong đó nhấn mạnh đến gầy dựng nếp sống văn minh đô thị cho người dân.