Thấy gì qua đợt phúc tra công nhận đơn vị văn hóa ở Quảng Điền
Lượt đọc: 124553Thời gian: 16:20 - 10/05/2011

         (VP) Cuối tháng 4 năm 2011 vừa qua, Đoàn phúc tra công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa huyện Quảng Điền đã tiến hành phúc tra 65 làng, thôn ở 11 xã, thị trấn trong toàn huyện sau 2 năm thực hiện xây dựng đơn vị văn hóa.

Đoàn đã về tận cơ sở kiểm tra, thực tế những nội dung theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hướng dẫn bình chọn, công nhận và thu hồi danh hiệu “Làng, (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa”. Kết quả có 44 làng, thôn đủ điều kiện, 21 làng, thôn không đủ điều kiện (trong tổng số 65 làng, thôn toàn huyện) đề nghị UBND huyện ra quyết định công nhận lại danh hiệu làng văn hóa. Nguyên nhân những đơn vị không được công nhận lại chủ yếu do vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình theo Quyết định 4043 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và do xảy ra trọng án trên địa bàn trong giai đoạn 2008-2010.
Theo bà Phan Thị Thanh Phượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Quảng Điền thì việc kiểm tra, phúc tra đơn vị văn hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đưa phong trào ở địa phương ngày càng phát triển một cách toàn diện và dần đi vào chiều sâu, trên cơ sở bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa mới của nhân loại để từng bước hình thành đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
Đánh giá thời gian xây dựng đơn vị văn hóa ở các địa phương được phúc tra lần này, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào huyện Quảng Điền cho biết thêm: Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, nhiều địa phương đã có những mô hình, cách làm hay đem lại hiệu quả cao. Nhiều làng đã làm tốt công tác xã hội hóa nên huy động được nguồn kinh phí rất lớn trong nhân dân và con em địa phương đi làm ăn xa để xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở như nhà văn hóa, cổng làng, cổng xóm, tiêu biểu ở thôn Đông Xuyên, xã Quảng An đã huy động được 500 triệu đồng của một gia đình là con em của làng để chuẩn bị xây dựng nhà văn hóa thôn và một cá nhân khác ủng hộ 50 triệu đồng để xây cầu nối liền hai thôn Đông Xuyên và Phú Lương A (Quảng Thành); thôn Tân Thành, An Lộc xã Quảng Công cũng huy động sự đóng góp của bà con nhân dân hơn 300 triệu đồng để xây nhà văn hóa thôn; thôn Đồng Bào, thôn Phổ Lại xã Quảng Vinh huy động mỗi người dân đóng góp 300.000đ đồng/người/năm trong 3 năm để sửa chữa đình làng với kinh phí 170 triệu đồng, bê tông hóa đường liên thôn; vận động nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng nhà mẫu giáo thôn... Nhiều thôn ở các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã huy động sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cổng chào của làng, của xóm… Đối với công tác khuyến học đã hình thành các chi Hội khuyến học thôn, dòng họ và hoạt động ngày càng hiệu quả. Ở xã Quảng Vinh hầu hết các thôn, làng đều có các chi hội khuyến học thôn và các dòng họ; thôn Hà Lạc, xã Quảng Lợi; thôn Uất Mậu thị trấn Sịa, xã Quảng Công... là những đơn vị có phong trào khuyến học phát triển mạnh, hàng năm đã huy động được hàng trăm triệu đồng gây quỹ khuyến học và tổ chức phát thưởng cho những học sinh có thành tích cao trong học tập và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo điều kiện để động viên tinh thần học tập của con em địa phương, đồng thời để giáo dục ý thức tự học, tự rèn của thế hệ trẻ. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương mà còn tạo ra một phong trào thi đua học tập sôi nổi trong các cấp học.
Quá trình thực hiện phong trào, nhiều địa phương có những hình thức khen thưởng và xử phạt đem lại hiệu quả cao. Tiêu biểu ở thôn Thanh Cần xã Quảng Vinh đã trích từ nguồn quỹ của thôn để khen thưởng 21 cặp vợ chồng 5 năm liền không sinh con thứ ba trở lên với mức thưởng 200.000 đồng/cặp vợ chồng; thôn Phước Thanh xã Quảng An, thôn Vân Căn, thị trấn Sịa đã xử phạt phải trình làng một mâm trầu rượu đối với những cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên... Mặc dù hình thức khen thưởng và xử phạt không lớn về vật chất nhưng lại có tác động rất lớn đối với người dân về mặt tinh thần. Dùng những hình thức thưởng phạt nặng về danh dự của cá nhân, gia đình, từ đó có tính động viên cũng như răn đe rất lớn... Đây là những cách làm hay và đem lại hiệu quả thiết thực, cần nhân rộng trong toàn huyện để góp phần thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương đã hình thành được các tủ sách văn hóa ở làng như: Thạch Bình, An Gia, Giang Đông (Thị trấn Sịa), Hà Lạc (Quảng Lợi)... Mặc dù số lượng sách không nhiều nhưng đã đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà từng bước phát triển văn hóa đọc ở nông thôn.
Qua theo dõi việc thực hiện xây dựng làng (thôn, bản), tổ dân phố văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, tại huyện Quảng Điền nói riêng trong hai năm trở lại đây, chúng tôi thấy rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và giữ vững danh hiệu làng văn hóa tại các địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Trong xu thê hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều yếu tố văn hóa bên ngoài đã du nhập vào nước ta và có ảnh hướng lớn đến lối sống, văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc, nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ ngày càng bị mai một và những yếu tố văn hóa mới đang ảnh hưởng đến giới trẻ. Ở một số đơn vị, lãnh đạo địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh chỉ đạo phong trào, Ban chỉ đạo phong trào ở các xã, thị trấn cũng như Ban điều hành các thôn hoạt động chưa hiệu quả, chỉ đạo chưa sâu sát, thiếu kiểm tra đôn đốc nên chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai thực hiện phong trào. Việc triển khai phong trào vẫn còn mang tính hình thức ở một số địa phương, đa số các làng, thôn vẫn tồn tại tâm lý chủ quan, sau khi được công nhận làng văn hóa thì không còn chú trọng đến việc thực hiện nghiêm túc các quy ước xây dựng làng văn hóa, không quan tâm củng cố và xây dựng phong trào dẫn đến nhiều quy ước xây dựng làng văn hóa không được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt tỷ lệ người sinh con thứ ba vẫn còn cao và một số nơi đang có chiều hướng ngày càng gia tăng như: thôn Sơn Tùng, thôn Ô Sa (xã Quảng Vinh); thôn An Xuân (xã Quảng An); thôn Đông Cao (Quảng Thái); thôn Giang Đông (thị trấn Sịa); thôn 1, thôn 2, thôn 4 (xã Quảng Công)... Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lễ cưới vẫn chưa thực hiện có hiệu quả, nhiều nơi vẫn còn tồn tại những phong tục cũ như: đám tang để quá dài ngày, tổ chức ăn uống khi đưa tang…Vấn đề vệ sinh môi trường tại các làng vẫn chưa đảm bảo, nhiều nơi chưa có biện pháp xử lý rác thải, chuồng trại của một số hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm chưa đảm bảo đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh. Việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” chưa đúng theo quy định và thực sự dân chủ, một số nơi việc bình xét không được tổ chức rộng rãi với sự tham gia của toàn thể bà con nhân dân trong thôn nên kết quả bình xét đôi lúc chưa khách quan và sát với tình hình thực tế, một số nơi tổ chức mang tính hình thức nên hiệu quả chưa cao.
Từ những hạn chế nói trên dẫn đến một số địa phương chưa nâng cao được ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như quy ước xây dựng làng văn hóa, từ đó nảy sinh một số vấn đề như: trộm cắp, tệ nạn xã hội, học sinh bỏ học...
Hữu Uy
Xem tin theo ngày