Tìm kiếm chuyên trang
Thừa Thiên Huế 15 năm xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Lượt đọc: 10516Thời gian: 09:16 - 28/05/2020

(VHH) - Ngày 21 tháng 02 năm 2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá là “ổn định, củng cố và xây dựng gia đình để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, cùng với những thành tựu chung về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân Thừa Thiên Huế ngày một nâng lên cả về chất và lượng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ở việc tăng cường huy động, bố trí ngân sách và lồng ghép các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống kinh tế hộ gia đình ngày càng được cải thiện, công tác gia đình đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của mỗi địa phương. Trong gia đình, trẻ em được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong giáo dục hình thành và phát triển nhân cách. Tỷ lệ gia đình thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tăng lên 95%. Trên 70% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm, giúp đỡ. Tỉnh cũng đã tổ chức tốt các hoạt hoạt động triển khai tháng hành động vì trẻ em hàng năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (theo cân nặng) hiện nay chỉ còn 7.6%.

Đối với công tác gia đình, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các Kế hoạch, Chương trình, Đề án hằng năm: Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh; Chương trình giáo dục đời sống gia đình; Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; Triển khai thí điểm Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình tại thị xã Hương Trà và thành phố Huế... Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11, Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ, các hoạt động Hội thi, Hội diễn, tọa đàm, biểu dương, tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh... Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; Hoạt động tuyên truyền thông qua việc tổ chức Chương trình nghệ thuật tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa Điện ảnh hằng năm về chủ đề hạnh phúc, tình yêu, gia đình, quê hương đất nước,… thu hút hàng ngàn lượt người đến xem, góp phần khích lệ các tổ chức, cá nhân thiết thực xây dựng gia đình, cộng đồng hạnh phúc, yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Ở cấp huyện, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thị xã Hương Thuỷ, huyện Phú Lộc xây dựng chuyên mục “Chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình”. Việc tuyên truyền, giáo dục đời sống gia đình còn được triển khai thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố được tổ chức 2 tháng 1 lần, người dân được tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ; được tuyên truyền về các mối quan hệ trong gia đình như: vợ và chồng, cha mẹ và con cái, ông bà và con cháu, anh chị em trong gia đình; về các tiêu chuẩn của gia đình văn hoá... Mỗi năm có trên 1000 buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ thu hút hàng chục ngàn lượt người tham dự. Các thành viên gia đình đã tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiệm giữa vợ và chồng trong việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ và tôn trọng. Sự bình đẳng giữa nam và nữ trong các gia đình có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ phụ nữ tham gia quyết định các vấn đề quan trọng trong gia đình như: sinh con, làm kinh tế, tham gia các hoạt động xã hội ngày càng cao. Mức sống của các gia đình ngày càng được nâng cao, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng điện thoại và internet.  

Trong 15 năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá ngày càng phát triển mạnh mẽ ở khắp các địa phương trên toàn tỉnh. Bên cạnh số lượng gia đình văn hóa ngày càng tăng, vấn đề chất lượng cũng được các gia đình quan tâm thể hiện qua các đợt bình xét công nhận được tổ chức hàng năm ở các địa  phương. Toàn tỉnh hiện có 290.392 gia đình, trong đó đăng ký xây dựng gia đình văn hóa là 271.936 gia đình, đạt tỷ lệ 93,64%; đến cuối năm 2019 có 252.690 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 92,9% so với số đăng ký.

Bên cạnh xây dựng “Gia đình văn hóa”, các phong trào xã hội khác được triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả. Đặc biệt công tác số hóa dữ liệu về gia đình được quan tâm triển khai, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm quản lý thông tin gia đình trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2019, phần mềm được sử dụng tại Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố Huế để đăng nhập báo cáo số liệu trên cơ sở tổng hợp số liệu từ các xã, phường, thị trấn. Phần mềm quản lý thông tin về gia đình còn tích hợp thêm các chức năng cập nhật các văn bản pháp luật, biểu mẫu, dịch vụ công… về công tác gia đình. Phần mềm được thiết kế phù hợp với cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện có của tỉnh, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước; các thông tin cập nhật chính xác, đầy đủ và kịp thời phục vụ yêu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng. Đồng thời đảm bảo có thể mở rộng các chức năng tiện ích, đáp ứng tích hợp, chia sẻ, liên thông với hệ thống các phần mềm, ứng dụng khác khi có nhu cầu.

Phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã thiết lập và vận hành cơ chế phòng, chống bạo lực gia đình và trợ giúp nạn nhân bị bạo lực bước đầu có hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhân rộng 48 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo đúng chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, tiêu biểu huyện Nam Đông có 22 mô hình, Hương Trà có 19 mô hình, thành phố Huế có 06 mô hình. Số địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã đăng ký là 485 địa chỉ. Có 259 nhóm phản ứng nhanh đã thiết lập đường dây nóng để đảm bảo việc thông tin liên lạc giữa nạn nhân và các thành viên nhóm phòng chống bạo lực gia đình khi có vụ việc xảy ra. Số lượng Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đang hoạt động có hiệu quả là 155 Câu lạc bộ.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, việc triển khai các chính sách an sinh xã hội, phát triển gia đình, giáo dục đời sống trong gia đình đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em tiếp cận được các chương trình, các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch,… góp phần thay đổi được nhận thức của người dân trong chung tay xây dựng, phát triển gia đình hạnh phúc bền vững. Từ đó, nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của gia đình và công tác gia đình được củng cố. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã đạt được những thành tích đáng kể, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ngày càng ổn định và phát triển. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và phát huy. Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi năm 2000 đã tạo điều kiện để thực hiện hôn nhân bình đẳng và tiến bộ. Những thành tựu của công tác gia đình đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi.

Trong thời gian tới, phát huy những thành quả đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, Thông báo kết luận 26-TB/TW, Kế hoạch 56-KH/TU, Chỉ thị 09-CT/TU; góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Duy trì việc đưa công tác gia đình thành một nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động của các cấp ủy đảng và chính quyền, các ngành, đoàn thể. Ngoài ra, một số giải pháp quan trọng được xác định đó là: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình; Nghiên cứu, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; Tăng cường công tác nghiên cứu, điều tra, dự báo về gia đình. Nhất là nghiên cứu các giá trị truyền thống và những giá trị mới, tiên tiến của gia đình; các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; áp dụng các kết quả nghiên cứu để giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình; dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới...

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 1.806