Tìm kiếm chuyên trang
Festival Huế 2020: phát huy giá trị nghệ thuật dân gian bài chòi
Lượt đọc: 5875Thời gian: 10:40 - 22/07/2020

VHH - Nghệ thuật bài chòi đã được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhằm quảng bá đến công chúng nghệ thuật dân gian độc đáo này, đồng thời để nâng cao nhận thức vai trò và tầm quan trọng của bài chòi trong đời sống tinh thần của cha ông mình, là dịp tôn vinh, vinh danh những nghệ nhân bài chòi, đồng thời bảo tồn, phát huy và truyền dạy đến lớp trẻ, từ đó có sự kế thừa những giá trị văn hóa độc đáo của vùng, miền. Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới”, trong khuôn khổ các hoạt động cộng đồng, Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật toàn quốc, trong đó có nghệ thuật bài chòi sẽ đem đến cho công chúng một không gian văn hóa về nguồn, sôi động mang đậm bản sắc văn hóaViệt.

Liên hoan các Câu lạc bộ nghệ thuật toàn quốc với nhiều thể loại nghệ thuật đa dạng như: ví dặm, hát xoan, quan họ, hò khoan Lệ Thủy, Cồng chiêng Tây Nguyên, hiphop... lần đầu được tổ chức trong Festival Huế, trong đó nghệ thuật bài chòi với sự tham gia của các Câu lạc bộ bài chòi đến từ các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị  và Thừa Thiên Huế với gần 200 nghệ nhân hứa hẹn đem đến cho công chúng sự trải nghiệm, hòa mình trong không khí của không gian văn hóa về nguồn, đặc sắc.

Cùng là trò chơi dân gian ra đời từ trong lao động, sản xuất, nhưng bài chòi mỗi vùng, miền đều mang đặc trưng riêng, không giống nhau, điều đó thể hiện qua nội dung câu hò, điệu hò, ở số người tham dự và số lần chơi trong một cuộc bài chòi, nhưng tất cả đều là hình thức diễn xướng dân gian, thông qua đó, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu gia đình mang tính giáo dục, ý nghĩa nhân văn mà cha ông ta đã để lại, được thể hiện trong các câu hò diễn xướng của nghệ thuật dân gian bài chòi.

Nghệ thuật dân gian bài chòi không chỉ dừng lại là một trò chơi dân gian mà nó còn gắn liền với nghệ thuật diễn xướng, thông qua những câu hát, hò, hô bài chòi của các nghệ nhân, những điệu lý, câu hò, vè mộc mạc, hóm hỉnh, gắn liền với đời sống lao động, sản xuất của người dân được tái hiện và khắc họa rõ nét hơn. Thông qua đó,diện mạo, bản sắc văn hóa của từng địa phương nói riêng và vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung, khẳng định sức sống bền lâu của bài chòi trong đời sống của người dân Việt Nam.

Biểu diễn nghệ thuật bài chòi tại Festival lần này,ngoài việc làm phong phú hơn các hoạt động cộng đồng trong khuôn khổ Festival Huế 2020, tăng cường sự giao lưu giữa các Câu lạc bộ bài chòi, nghệ nhân diễn xướng giữa các tỉnh với nhau, bên cạnh đó Liên hoan góp phần tuyên truyền, giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, về những giá trị tiêu biểu của di sản văn hóa phi vật thể trong đó có nghệ thuật bài chòi trên quê hương Thừa Thiên Huế, tạo sự gắn kết, phát huy tiềm năng, tài nguyên di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Thanh Thúy
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 9.153