Tìm kiếm chuyên trang
Hội thảo “Phòng, chống các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em”
Lượt đọc: 6623Thời gian: 14:09 - 30/11/2020

VHH - Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia Vì bình đẳng giới, ngày 28 tháng 11 năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo “Phòng, chống các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em”.

Hội thảo thuộc khuôn khổ dự án “Ngăn chặn các hình thức bạo lực tình dục đối với phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam” do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tài trợ. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 50 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa và Thể thao, Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liêp hiệp phụ nữ tỉnh, Trường Đại học Khoa học, Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội cùng các thành viên hưởng lợi từ dự án.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng lạm dụng tình dục ở trẻ em, bạo lực tình dục đối với phụ nữ, các nghiên cứu xã hội học về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đã thực hiện trên địa bàn tỉnh. Vấn đề được ưu tiên hàng đầu là cung cấp kiến ​​thức, kỹ năng cho phụ nữ và trẻ em gái về bình đẳng giới, chống bạo lực tình dục và các giải pháp để bảo vệ bản thân. Trong đó, ưu tiên các đối tượng chính là phụ nữ lao động chân tay, những người có trình độ học vấn thấp và khả năng tiếp cận thông tin về bạo lực tình dục còn hạn chế. Ngoài ra, còn có các nữ sinh đang học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Bạo lực gia đình không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn nhằm vào cả trẻ em. Chỉ tính riêng trong tháng 4 năm 2020, Tổng đài quốc gia 111 về Bảo vệ trẻ em đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó có hơn 200 cuộc gọi cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ có sự phát triển tâm lý bất thường, không thể phát triển hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần như nhiều đứa trẻ bình thường khác.

Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Hội thảo cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành, sửa đổi các chính sách, pháp luật về gia đình, trẻ em... để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.

Nghi Dung
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 8.172