Tìm kiếm chuyên trang
Vai trò dòng họ trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Lượt đọc: 7075Thời gian: 09:31 - 12/01/2021

VHH - Hiện nay toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 4.000 dòng họ, đây là một thiết chế xã hội bền vững, thực sự là chỗ dựa để xây dựng và phát triển các phong trào xã hội quan trọng của Nhà nước đang triển khai ở địa phương. Đặc biệt là trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Một số thành quả đạt được trong giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Trong những năm qua, các dòng họ trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực các cuộc vận động, phong trào về mô hình xây dựng dòng họ hiếu học, dòng họ văn hóa, dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, dòng họ tiêu biểu trong tham gia các phòng trào xã hội tại địa phương... góp phần quan trọng xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, cuộc sống người dân ngày một nâng cao về kinh tế cũng như đời sống tinh thần.

Trước tiên đó là việc giữ gìn nề nếp gia phong, đạo đức gia tộc. Việc làm này rất quan trọng tạo nền tản và xây dựng những tế bào lành mạnh cho một xã hội tốt đẹp. Việc lễ, việc nghĩa là một truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là việc thăm viếng nhau trong gia đình họ hàng thân thuộc, củng cố mối quan hệ trong gia tộc, thờ phụng tổ tiên, ông bà, cha mẹ; tổ chức tế tự, giỗ tổ hàng năm,... Bên cạnh đó, cộng đồng các họ tộc đã cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa làm cho tình cảm gia tộc ngày càng gắn bó hơn. Đây là đời sống tinh thần của con người từ xa xưa truyền lại, là một lĩnh vực quan trọng trong đời sống văn hóa và tư tưởng. Về mặt xã hội, việc họ góp phần phục hồi luân lý, đạo đức, kỷ cương gia đình và xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; giáo dục phong trào “ông bà, cha mẹ mẫu mực, hiền từ; con trung hiếu, cháu thảo hiền”. Truyền thống đó sẽ giáo dục các thế hệ con cháu, tạo nên mạch truyền nối tiếp cho dòng họ; góp phần xây dựng xã hội an bình, giàu bản sắc văn hóa trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị.

Sự giáo dục trong gia đình, gia tộc tuy mang tính tự phát nhưng rất hiệu quả. Những lời ăn, tiếng nói, những cách giao tiếp ứng xử của các thành viên thân yêu chung quanh tự nhiên thấm dần vào ý thức đứa bé, cộng đồng với đặc điểm di truyền trong huyết thống, hình thành cơ sở ban đầu cho mỗi con người. Ở Thừa Thiên Huế, không chỉ ở cấp độ gia đình hình thành nên nề nếp học tập, ứng xử, sinh hoạt dựa trên các “tiêu chuẩn” văn hóa của thời đại mà còn hình thành nên một “gia phong” riêng của dòng họ, nổi bật có thể kể đến các họ Đặng ở Thanh Lương (Hương Trà), họ Hà ở La Chữ (Hương Trà), họ Cao ở Thế Chí Đông (Phong Điền), họ Hồ Đắc ở An Truyền (Phú Vang), họ Nguyễn ở Chí Long (Phong Điền)... Các dòng họ ở Thừa Thiên Huế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ nề nếp gia phong của dòng họ mình. Các thế hệ con cháu vẫn tiếp nối truyền thống của dòng tộc để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các dòng họ trên cũng là những dòng họ có nhiều đời đỗ đạt, làm quan, hoạt động cách mạng, tham gia các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, truyền thống đó vẫn được các thế hệ con cháu tiếp nối, góp phần gìn giữ truyền thống “đất học” của quê hương Thừa Thiên Huế.

Về vấn đề khuyến học rất được các dòng họ ở Thừa Thiên Huế chú ý. Hằng năm, thường vào dịp chạp họ, rất nhiều họ tiến hành trao học bổng tuyên dương thành tích học tập, thi đỗ đại học của con em trong dòng họ. Phần thưởng thường là tiền học bổng, giấy khen, quà,... Bên cạnh đó, có nhiều dòng học còn có hình thức tuyên dương, trao thưởng đối với các con em có bằng Tiến sỹ, Thạc sỹ,... Những hình thức này diễn ra tương đối phổ biến ở các dòng họ trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Tại tỉnh còn có nhiều mô hình dòng họ điển hình trong thành lập các quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện để con cháu học tập, phát triển kinh tế, điển hình như dòng họ Nguyễn Văn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Họ Phan (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), họ Văn Đình (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), họ Nguyễn Văn (thôn Thuận Hóa, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc)... Điều này đã góp phần thúc đẩy truyền thống “học hành, khoa bảng” của các dòng họ nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung, đưa sự nghiệp giáo dục của quê hương ngày một phát triển.

Đối với việc nâng cao đời sống văn hóa nông thôn, nhiều địa phương bằng sự đóng góp của các gia đình, dòng họ để xây dựng đường làng, cổng làng, nhà văn hóa thôn. Đây là những công trình văn hóa thiết yếu trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, một số nơi còn xây dựng công viên dòng họ như trường hợp họ Hồ ở làng Kế Môn (Điền Môn, Phong Điền). Ở đây, người dân còn đóng góp xây dựng các công viên, ghế đá đặt dọc theo con đường chạy thẳng qua làng tạo nên địa điểm vui chơi, nghỉ mát cho người dân. Nhiều dòng họ trở thành hạt nhân trong việc hoàn thành các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.

Các mô hình hay cần được nhân rộng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có các mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự” với việc tự bảo vệ, tự hòa giải, cùng giúp nhau phát triển kinh tế... góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống hòa thuận, yên vui trong thôn xóm. Năm 2017, mô hình “Dòng họ Hồ tự quản về an ninh trật tự” đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới được thành lập tại thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân. Với 56 hộ gia đình, các thành viên trong “Dòng họ Hồ tự quản về an ninh trật tự” ở thôn Ka Cú 1 cùng nhau tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải. Hiện nay, tỉnh ta có nhiều dòng họ đã trở thành các mô hình tự quản về an ninh trật tư tại địa phương, hoạt động hiệu quả như: dòng họ Võ Đại (làng Nong, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), dòng họ Trần (thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), dòng họ Phan Phước (thị xã Hương Trà), dòng họ Trương Văn (xã Phong Hải, huyện Phong Điền)... Để các dòng họ phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phát kiển kinh tế gia đình, thì theo quy ước của dòng họ, những người đứng đầu các nhánh, phái, bậc cao niên trong họ phải làm nòng cốt trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, là chỗ dựa tin cậy để người dân trong họ kính trọng và học hỏi. Đối với mỗi hộ gia đình, phải chịu trách nhiệm trước họ tộc về những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của các thành viên trong gia đình và người thân. Mỗi cá nhân không vi phạm pháp luật, không được mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục, phòng chống tệ nạn xã hội.

Qua tìm hiểu tại mô hình dòng họ Trương Văn tự quản về an ninh trật tự (xã Phong Hải, huyện Phong Điền), chúng tôi được biết: Những người trong họ tộc phải tự phòng, tự quản, tự bảo vệ các thành viên gia đình, dòng họ mình không vi phạm pháp luật để cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống nhằm xây dựng thành công quy ước xây dựng dòng họ tự quản về an ninh trật tự. Cụ thể như: không để xảy ra khiếu kiện, mâu thuẫn, tranh chấp gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Trong gia đình, dòng họ có người lầm lỗi thì phối hợp với tổ hòa giải, cảm hóa, giáo dục. Từ những việc làm thiết thực, ý nghĩa, tình trạng con cháu vi phạm pháp luật của các dòng họ tự quản về an ninh trật tự giảm hẳn. Mỗi dòng họ trở thành một tổ tự quản, mỗi gia đình là một tổ hòa giải, góp phần giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống.

Trao đổi với Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của các địa phương, chúng tôi được biết: Bên cạnh việc vận động con cháu tham gia các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn, cùng nhau phát triển kinh tế, các dòng họ trên địa bàn tỉnh đã tích cực phối hợp với Ban điều hành xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, lực lượng công an địa phương trong đấu tranh tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; ký cam kết đảm bảo dòng họ không có người vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, cờ bạc; chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các tiêu chí trong quy ước xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa...

Vừa qua, tại xã Thủy Tân, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối họp với Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình dòng họ Lương Quang (thôn Chiết Bi, Xã Thủy Tân) trong việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết hiếu học, giữ gìn vệ sinh môi trường... gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở mô hình “3 quản” của dòng họ Lương Quan (thôn Chiết Bi - xã Thủy Tân) - dòng họ được chọn làm điểm trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Thừa Thiên Huế, đại diện cho các dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng của xã Thủy Tân đã được triển khai thêm những nội dung cơ bản về nếp sống văn hóa, phong tục, tập quán và xây dựng dòng họ văn hóa; quy ước dòng họ văn hóa trong việc phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, hiếu học, giữ gìn vệ sinh môi trường gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... nhằm áp dụng ở dòng họ mình về xây dựng các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Vị trí vai trò của những trưởng họ tộc, già làng, những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ là những người có ảnh hưởng nhất định đối với con cháu, cộng đồng. Tộc trưởng là người kế tục việc thờ cúng ông tổ chung, với vị trí đó, người này có uy tín rất lớn trong dòng họ, là người đứng ra phân xử, giải quyết những tranh chấp, hiểu lầm trong dòng họ. Đồng thời họ là người có uy tín để vận động sự đóng góp của con cháu đối với dòng họ, làng xã, quê hương; góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn, tham gia các phong trào về bảo vệ môi trường, xây dựng xã hội học tập,... ở Thừa Thiên Huế hiện nay. Bên cạnh đó họ còn là người dạy dỗ, khuyên bảo con cháu đi theo con đường lương thiện, làm ăn chân chính, xây đắp hạnh phúc gia đình....

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắng rằng, những đóng góp đó của các dòng họ là vô cùng quan trọng và trong thời gian tới các ngành, các cấp cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa với các dòng họ trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các dòng họ trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn và nhiều phong trào, cuộc vận động quan trọng khác..., góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững mạnh về quốc phòng, an ninh, xây dựng con người Thừa Thiên Huế văn minh, lịch thiệp.

Gia đình, dòng họ ở Thừa Thiên Huế hiện nay đang trong bước chuyển mới đặt ra nhiều thách thức cần có biện pháp thích hợp để vượt qua và tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống như vấn đề xung đột gia đình trong bình đẳng giới, về tương khắc thế hệ, về bạo lực gia đình, vấn đề chăm sóc đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm lý, vật chất cho các đối tượng thiệt thòi, tổn thương trong xã hội như người già, người neo đơn, nhất là gia đình chính sách. Vấn đề trì trệ trong phát triển kinh tế hộ gia đình,...Ngoài ra trong các dòng họ vẫn còn những vấn đề cần được nhìn nhận để có biện pháp cải biến đó là những hạn chế trong việc việc tang, việc cưới, việc cúng tế,... Đây là vấn đề có tính lịch sử, một đặc trưng của văn hóa Kinh đô, vốn được xem là đất “phú quý sinh lễ nghĩa”, của vùng đất đề cao đạo hiếu, ứng xử cho đúng gia pháp, gia phong nên để lại nhiều hệ lụy cần được khắc phục. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập và cơn lốc kinh tế thị trường, gia đình, dòng họ ở Thừa Thiên Huế đang có sự biến đổi, trong đó có những biến đổi đáng lo ngại như suy giảm chức năng giáo dục, một bộ phận cha mẹ bỏ mặc con cái, quên trách nhiệm đối với xã hội...

Để góp phần cho sự phát triển chung của tỉnh cũng như thực hiện thành công các phong trào, cuộc vận động về các mô hình xây dựng dòng họ hiếu học, dòng họ văn hóa, dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, dòng họ tiêu biểu trong tham gia các phòng trào xã hội tại địa phương, đặc biệt là trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thiết nghĩ các họ tộc trên địa bàn tỉnh cần có sự phối hợp, chung sức thực hiện thông qua việc tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ mình một cách mạnh mẽ, thường xuyên hơn.

Phòng XDNSVH&GĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 19.502