Tìm kiếm chuyên trang
Hài hòa bảo tồn di sản và nhu cầu đời sống
Lượt đọc: 292Thời gian: 08:55 - 08/04/2024

(VTH) - Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ có các quy định phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đồng thời giải quyết hài hòa nhu cầu của cộng đồng sống trong di sản.

Không để "sống cùng di sản là gánh nặng"

Làm công tác bảo tồn di tích Cố đô Huế từ năm 1992 và quản lý di tích cho đến hiện nay, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết đã làm rất nhiều việc liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích. Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh năm 1984 quy định 3 khu vực bảo vệ di tích. Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, khoanh vùng 2 khu vực bảo vệ, gồm khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II. Đây là những quy định tiến tới tương thích với quy định của UNESCO quan niệm về vùng lõi và vùng đệm.

Tuy nhiên, theo TS. Phan Thanh Hải, khu vực bảo vệ II của chúng ta định nghĩa lại không giống vùng đệm của UNESCO. “Chúng ta khoanh vùng khu vực bảo vệ I là vùng hàm chứa yếu tố gốc cấu thành di tích và bất khả xâm phạm. Khu vực này gần như “hóa thạch”. Còn khu vực bảo vệ II chỉ được xây dựng các công trình "phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích". Trong định nghĩa của UNESCO, vùng lõi gần giống khu vực bảo vệ I của chúng ta, nhưng vùng đệm lại khác. Một di sản không chỉ có một vùng đệm mà có thể nhiều vùng đệm. Chẳng hạn như Angkor Wat của Campuchia có 5 vùng đệm, với nhiều chức năng. Người dân sống trong vùng đệm không bị “khóa cứng” như khu vực bảo vệ II của Việt Nam, mà họ vẫn sống cùng di sản, miễn là đúng quy hoạch phát triển”.

Quy định khu vực bảo vệ II đang gây nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện. Như với trường hợp Quần thể di tích Cố đô Huế, hàng vạn dân đang sống trong di tích. Trước đây, ngay cả sửa sang nhà cửa, người dân phải có văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sau đó, riêng khu vực Kinh Thành được ủy quyền cho UBND tỉnh, nhưng vẫn “mắc” thường xuyên.

“Xung quanh lăng Gia Long có lính hộ lăng, họ sinh sống, xây dựng gia đình ở đó. Nay con cháu họ vẫn ở đó và tiếp tục bảo vệ lăng Gia Long. Họ có niềm tự hào đặc biệt giữ gìn di tích. Nhưng quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện, nếu không họ sẽ cho rằng sống cùng di sản là gánh nặng. Cần có những quy định bảo vệ di tích sao cho phù hợp”, TS. Phan Thanh Hải nêu ví dụ và kiến nghị.

Không chỉ tại Huế. Thực tế, một số di tích có diện tích, phạm vi rộng và có nhiều hộ dân đã sinh sống lâu đời trước khi di tích được xếp hạng. Theo dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), di tích lịch sử - văn hóa gồm các loại hình: di tích lịch sử; di tích kiến trúc, nghệ thuật; di tích khảo cổ. Nhiều ý kiến cho rằng, với các trường hợp như Quần thể di tích Cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm… xếp vào di tích kiến trúc, nghệ thuật là không ổn, bởi đây là tổ hợp di sản đa dạng, có nhiều loại hình. Làng cổ Đường Lâm, Phước Tích là sự quần cư sống trong di sản, nếu di tích hóa là họ không phát triển được. Điển hình là bài học người dân Đường Lâm từng xin trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia…

Cần có thêm quy định vùng đệm

Các chuyên gia kỳ vọng, việc phân loại và các quy định khoanh vùng bảo vệ di tích cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) một cách phù hợp, giải quyết nhu cầu dân sinh trong khu vực bảo vệ, hài hòa giữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Từ đó, tạo điều kiện để cộng đồng sống với di sản, có quyền lợi, trách nhiệm, phát huy giá trị di sản. Sự nghiên cứu, bổ sung này cũng cần tương thích với các quy định của UNESCO.

Theo TS. Phan Thanh Hải, khu vực bảo vệ II Kinh thành Huế chỉ khoảng 71ha, rất nhỏ. Các yếu tố liên quan đến Kinh thành Huế không thể đưa vào khu vực II, không có quy định bảo vệ, như núi Ngự Bình cách đó 3km, hay cồn Hến, cồn Dã Viên, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh… Đây được xem là những yếu tố liên quan trực tiếp, điểm nhìn gắn với di tích, cần có giải pháp để các công trình xây dựng không phá hủy chúng. Bởi vậy, quy định về khu vực bảo vệ II cần điều chỉnh để có thể giữ gìn các yếu tố cảnh quan như vậy. Nếu không thể trở thành vùng đệm, có thể bổ sung các yếu tố liên quan đến cảnh quan văn hóa của khu di tích, di sản, từ đó mới có quy định cụ thể để giữ gìn.

Điều 26, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về Bảo vệ khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II của di tích. Phó Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích Trần Quốc Tuấn nhận xét: “Khu vực bảo vệ II của di tích (như trong dự thảo Luật) rõ ràng rất hạn hẹp. Như làng cổ Đường Lâm, ngoài khu vực bảo vệ II, khi cảnh quan bị xâm phạm, ví dụ cánh đồng bị chặn bởi bức tường, thì câu chuyện của làng cổ đã khác. Do đó, quan điểm của chúng tôi là cần có thêm quy định vùng đệm với một số di tích”.

Việc nghiên cứu sửa đổi các quy định trong Luật Di sản văn hóa liên quan đến khu vực bảo vệ di tích được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vừa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

 

TH (Theo https://daibieunhandan.vn/)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 42.618