Tìm kiếm chuyên trang
Nét đẹp làng nghề Đệm bàng Phò Trạch
Lượt đọc: 68Thời gian: 15:26 - 04/04/2024

(VHH) - Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50 km về hướng Bắc là làng nghề đệm bàng Phò Trạch nổi tiếng. Phò Trạch là một làng cổ hình thành từ giữa thế kỷ XV. Đất đai của làng phần nhiều là ruộng đất. Khai thác tiềm năng của đất đai, ao đầm ven làng, từ thuở lập làng đến nay, cư dân làng Phò Trạch đã lấy nghề nông và nghề làm đệm bàng là nghề chính để mưu sinh. Người dân ở đây từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến trẻ con hay đàn ông ai cũng biết đệm bàng.

Đệm bàng được đan từ cây cỏ bàng. Cây cỏ bàng (cây cói bàng) hay còn gọi là cây bàng, có tên khoa học là Lepironia articulate, nằm trong họ cói. Là loài cây mọc hoang dại có thân thẳng đứng cao khoảng 1m được biết đến như là một nguyên liệu trời phú để người dân ở đây phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ, “biến cỏ thành tiền”.

Từ một loài cây cỏ dại mọc ở vùng đất trũng ngập nước, người dân ở Làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền đã biến chúng thành hàng trăm ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiết thực, đẹp mắt và thân thiện với môi trường. Hình thành một làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay với thương hiệu nổi tiếng là “Làng nghề Đệm bàng Phò Trạch” (người dân quen gọi là “Phò Trạch Đệm”) 

Người dân thu hoạch cỏ bàng

 

Quy trình để làm ra một chiếc đệm bàng khá công phu, trải qua rất nhiều công đoạn. Cây cỏ bàng được cắt ở ruộng về và phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên từ 3-5 ngày. Cây cỏ bàng sau khi được phơi khô thì rất dai và chắc, người ta chọn những cây bàng có kích thước giống nhau để thuận tiện cho việc đan sản phẩm. Sau đó là khâu đập bàng, bàng được đưa ra cối đạp giã cho sợi bàng đẹp và mềm mới đan được. Khi đan, người ta so những sợi bàng mềm xếp cạnh nhau cùng một hướng, khoảng 20-30 sợi, quay lại theo hướng vuông góc với những sợi đã sắp trước, hoa văn hoặc chữ có thể điểm xuyết để tăng thêm tính thẩm mỹ, khi gài cứ bắt hai sợi đè lên 2 sợi cứ như vậy đến khi đủ độ dài thì bắt đầu vặn giữ cho đệm đúng kích thước và không bị bung ra.

Dù phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện một sản phẩm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chịu khó, kỹ thuật cao, giá cả lại rất rẻ, đồng thời đầu ra còn nhiều bấp bênh, cùng với sự ra đời của nhiều loại hàng hóa bằng máy móc và nguyên liệu nhân tạo, cạnh tranh với hàng nhựa giá rẻ cũng là một sự trăn trở lớn và thách thức cho người dân ở đây nhưng người làng Phò Trạch vẫn yêu nghề, gắn bó với nghề đệm bàng từ bao đời nay.

Các sản phẩm của đệm bàng ở Phò Trạch đã không ngừng tiến bộ, cải tiến mẫu mã. Ngoài sản phẩm chủ đạo là đệm bàng, hiện làng đã có rất nhiều mẫu mã mới như hộp đựng giấy, đèn ngủ, túi xách, khay, mũ, chiếu, móc chìa khóa, thảm trang trí… ngày nay đang được thị trường ưa chuộng vì nó có màu đẹp, có độ bền chắc và thân thiện với môi trường cũng như để đáp ứng nhu cầu mới của xã hội và duy trì được thu nhập của người dân. Với tiêu chí của sản phẩm là thân thiện với môi trường đang là xu thế tiêu dùng của con người trong xã hội hiện đại thì đây là một điểm cộng quá lớn. Các sản phẩm được đem đi tham gia tại triển lãm, Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức… và đạt nhiều giải thưởng cao. Đó cũng là kết quả của sự định hướng đúng đắn trong việc làm sao để giữ được nghề và phát triển nghề đệm bàng của người dân xã Phong Bình, cũng như các cơ quan, ban ngành có liên quan.

Làng nghề Đệm bàng Phò Trạch được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống (Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 14/4/2014).

T.N (theo thuathienhue.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 841.716
Truy cập hiện tại 15.768