Di tích Lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh
Lượt đọc: 7883Thời gian: 09:15 - 30/12/2019

(VHH) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định về việc công nhận Di tích Lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Theo đó, Di tích Lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá (thuộc 02 xã: Quảng Phú, huyện Quảng Điền; xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo tư liệu lịch sử, Cụ Phó bảng Trần Đình Bá, người ấp Phước Tự, thôn Hiền Lương, tổng Hiền Lương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên (nay là thôn Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông hiệu Phước Trang, tự Tân Phủ, sinh năm Đinh Mão (1867), mất năm Quý Dậu (1933); đỗ Phó bảng khoa thi Mậu Tuất (1898) thời Thành Thái, làm quan trải 3 đời vua: Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Ông từng kinh qua các chức: Án sát Thanh Hóa; Bố chính Hà Tĩnh; Thị lang Bộ Hình; Tuần vũ Quảng Ngãi; Tổng đốc An-Tĩnh; Hiệp tá Đại học sĩ, lãnh Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Viện Đô sát, sung Cơ mật viện đại thần, tước Phù Ninh nam, hàm Thái tử Thiếu bảo, vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu.

Di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá là công trình tiêu biểu gắn với cuộc đời và sự nghiệp vị quan đại thần thanh liêm của triều Nguyễn, được bảo tồn khá nguyên vẹn ở vùng nông thôn đồng bằng các huyện Quảng Điền và Phong Điền, nơi thường xuyên diễn ra những nghi thức tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên của dòng họ, giữ cho con cháu các thế hệ mai sau ý thức hướng về cội nguồn quê cha, đất tổ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam được kế thừa cụ thể qua các dòng họ, trong đó có gia tộc họ Trần. Di tích lịch sử lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá hiện nay còn lưu giữ được nhiều tài liệu Hán Nôm như bài vị, hoành phi, câu đối… đã phản ánh lên được tính chất của một dòng họ, ở một vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa, truyền thống nghề rèn làng Hiền Lương. Đây chính là nguồn tài liệu quý giá về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... giúp cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của cha ông để lại.

Văn Bốn (CTV)
Các tin khác
Xem tin theo ngày