Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau
Lượt đọc: 6759Thời gian: 09:12 - 05/02/2020

(VHH) - Với nhiều chương trình, chính sách, hình thức hoạt động, các cấp, các ngành huyện A Lưới đã thiết thực đồng hành cùng người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhìn mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng gia trại của ông Nguyễn Thảo, ở thôn Quảng Ngạn, xã Sơn Thủy ít ai nghĩ rằng trước đây ông là một hộ nghèo.

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã với nguồn vốn vay ưu đãi ban đầu 30 triệu đồng, ông Thảo cùng với khuyến nông viên cơ sở bắt tay quy hoạch diện tích đất vườn của mình theo từng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, sản xuất rau an toàn. Ban đầu ông cũng chỉ nuôi 2-3 con bò và tận dụng đất quanh đồi để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Cứ sau mỗi kỳ thu hoạch, ông lại tái đầu tư vào các phân khu chăn nuôi, sản xuất. Sau 3 năm nỗ lực cùng với sự đồng hành của các ban, ngành ở địa phương, gia đình ông Thảo đã vươn lên thoát nghèo và từng bước trở thành hộ khá. Đến nay, khu chăn nuôi, sản xuất của ông đã có hàng chục con bò, gần 30 con lợn thịt mỗi lứa, hàng trăm con gia cầm và rau sạch thu hoạch quanh năm… Ông Thảo chia sẻ: “Với khu gia trại này, mỗi năm tôi thu nhập trên 300 triệu đồng, đã trở thành địa chỉ để các hộ nghèo đến tham quan, học tập kinh nghiệm”.

Ở các xã Sơn Thủy, Phú Vinh, Hương Phong, A Ngo, Đông Sơn… được đánh giá thực hiện khá tốt trong công tác giảm nghèo. Cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh của các xã tích cực hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, du nhập các ngành nghề và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Trần Văn Toản, ở thôn Pơ Nghi, xã A Ngo cho hay, từ khi có chủ trương về hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, được chính quyền tạo điều kiện về mặt bằng, vốn vay ưu đãi, sẵn có tay nghề mộc, anh mạnh dạn mở cơ sở mộc mỹ nghệ để chuyển hướng làm ăn. Bước đầu anh chỉ làm nhỏ lẻ, dần dần được các ban, ngành hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động, giới thiệu tìm đầu ra cho sản phẩm, cơ sở đã làm ăn ngày càng khá hơn. “Sau nhiều năm quần quật với ruộng, rẫy vẫn không thoát nghèo, nhờ chuyển đổi ngành nghề nên thu nhập cải thiện, đến năm 2018 gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã” – anh Toản bày tỏ.

Anh Hồ Văn Lợi, ở thôn Loah – Ta Vai, xã Đông Sơn cũng phấn khởi không kém: “Nguồn vốn đầu tư được tạo điều kiện cho vay thuận lợi, quy trình sản xuất, hoạch toán kinh doanh được cán bộ Hội nông dân và khuyến nông viên hướng dẫn đầy đủ, nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi bò và mở cửa hàng kinh doanh tạp hóa. Đến nay, gia đình không chỉ thoát nghèo mà mỗi năm còn có khoản thu nhập từ chăn nuôi và buôn bán gần 150 triệu đồng…”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn Hồ Văn Tôi, thôn Loah – Ta Vai có 120 hộ, là địa bàn khó khăn nhất của xã, trước đây tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%. Sau khi triển khai chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay số hộ làm ăn có thu nhập ổn định tăng lên đáng kể. Ngoài gia đình Hồ Văn Lợi, nhiều hộ như Hồ Văn Tình, Hồ Văn Tua, Hồ Văn Tanh, Hồ Thị Lành … ở đây đã vươn lên thoát nghèo.

Triển khai kế hoạch giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, ngoài giúp đỡ hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện A Lưới tập trung lồng ghép công tác giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh kế - xã hội; hỗ trợ người nghèo về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh và các dịch vụ xã hội cơ bản khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Hồ Văn Ngưm cho biết: Cùng với những hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng đã xây dựng nhiều chương trình giúp người dân thoát nghèo hiệu quả. Trong gần 4 năm qua, đã có hơn 4.300 lượt hộ nghèo được chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, phân bón phục vụ sản xuất, hướng dẫn cách làm ăn; hơn 6.800 lượt hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm...

Chỉ tính riêng chương trình cho vay hộ nghèo, 9 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện đã giải ngân cho gần 400 hộ vay với số tiền trên 14 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời để bà con phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn chính sách xã hội, huyện đã hỗ trợ cho trên 250 hộ gia đình có nhu cầu vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh, giải quyết cho gần 170 hộ gia đình được vay vốn để tạo việc làm cho lao động trên địa bàn. Đồng thời, giải ngân kịp thời cho hằng chục hộ gia đình vay vốn để xây dựng và sửa chữa nhà ở thuộc chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Hồ Văn Ngưm, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo, xã nghèo phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà ở, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí…, giải pháp mang tính căn cơ là việc đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Qua đó, sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật là hết sức cần thiết nhưng phải gắn với liên kết vùng, phát huy được thế mạnh của địa phương và thiết thực đối với nông dân nghèo. Đó là một trong những giải pháp tối ưu, nó vừa tạo thuận lợi trong tập huấn quy trình sản xuất, trao đổi kinh nghiệm nuôi trồng, tiến tới có sản phẩm chất lượng, đồng nhất nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cùng đó, hoạt động đào tạo nghề cho người nghèo cũng phải đảm bảo phù hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Việc này sẽ góp phần thực hiện đúng mục tiêu tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong tiến trình giảm nghèo bền vững.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện A Lưới vừa qua, chỉ đạo về công tác giảm nghèo trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đề nghị huyện đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tái sản xuất ngành lâm nghiệp, xem xét các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Tận dụng tối đa, lồng ghép và sử dụng hiệu quả từ các nguồn lực để gắn xây dựng nông thôn mới với giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc triển khai một số mô hình giống mới, cần nhân rộng các sản phẩm nông nghiệp lợi thế nhằm xây dựng nhãn hiệu tập thể như Zèng, gạo Ra dư, thịt bò... Tiếp tục thực hiện tốt “Đề án phát triển đàn bò giai đoạn 2016 - 2025”, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với gia trại, trang trại và triển khai Đề án phát triển kinh tế tập thể giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng lưu ý, huyện A Lưới cần huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp để xây dựng nền nông nghiệp quy mô, ứng dụng công nghệ cao, khai thác hiệu quả và đồng bộ du lịch sinh thái, văn hóa…, đồng thời có định hướng đầu tư phù hợp trong các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp để tăng khả năng giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ở A Lưới đạt gần 20 triệu đồng/năm, tăng 2,26 triệu đồng/người/năm so với năm 2016. Số hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016- 2019, giảm từ 35,04% xuống  đến nay còn 21,5% (giảm 13,54%).

Phòng XDNSVH&GĐ
Các tin khác
Xem tin theo ngày