Có một thực tế ở các công viên hai bờ sông Hương, đặc biệt công viên phía Nam dù đã được chỉnh trang song vẫn chưa thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Nguyên nhân do hạ tầng của các công viên này vẫn chưa đồng bộ, hệ thống nhà vệ sinh hạn chế, bố trí chưa hợp lý, hình thức chưa đẹp; các đường dạo thiếu sự nối kết, liên hoàn; hệ thống điện chiếu sáng trang trí tối, chưa đủ ấn tượng để tạo nên hình ảnh đẹp cho công viên về đêm (nhất là góc nhìn từ phía sông Hương); chưa có những công trình tạo nên sự tiếp cận giữa con người và mặt nước...
Giáo sư Ohn Yeong Te, Chủ nhiệm Dự án Quy hoạch Chi tiết hai bờ sông Hương cho biết, để đáp ứng kỳ vọng của người dân Huế và các nhà quản lý, phía các chuyên gia Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng một ý tưởng mới mẻ cho dự án thí điểm. Sau khi cân nhắc, phía tư vấn Hàn Quốc đã đề xuất một phương án mới (ngoài 5 phương án trước đây) đó là xây dựng một tuyến đường mới kết nối giữa phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu chạy dọc bờ sông Hương đi phía dưới cầu Phú Xuân kết nối với công viên Lý Tự Trọng. Lâu nay, hai công viên này không kết nối liên hoàn được với nhau khiến du khách khó đi xuyên suốt các công viên dọc bờ sông. Trong khi đó, bờ sông Hương với sự tồn tại của các quán cà phê cũng chưa thực sự thẩm mỹ và khai thác hết hiệu quả của khu vực có góc nhìn tuyệt đẹp và tiệm cận mặt nước này.
Theo phương án phác thảo ban đầu, tuyến đường dạo này sẽ được thiết kế với kiến trúc phù hợp, hài hòa với không gian cảnh quan chung, là nơi để du khách đi bộ, đạp xe, ngắm cảnh sông Hương. Hệ thống đèn chiếu sáng được quan tâm thiết kế phù hợp để có thể tạo ra được hình ảnh ấn tượng, hiện đại và hấp dẫn cho công viên về đêm. Ngoài ra, việc tiệm cận với mặt nước sông Hương có thể giúp bố trí những bến nước; thậm chí du khách có thể vừa ngắm cảnh vừa trao đổi, giao tiếp với những người đi thuyền dưới sông...
Có thể nói, ý tưởng mới này được hình thành từ những đề xuất và mong muốn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu Huế trong lần báo cáo Dự án lần thứ nhất sau khi các phương án trước đây chưa nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, dự án này cần thêm quá trình nghiên cứu để hoàn thiện trước khi triển khai trên thực tế. Sau khi nghe đề xuất điều chỉnh những nội dung trong dự thảo Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương, đặc biệt là ý tưởng của Dự án thí điểm phía Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Thành đã tỏ ra rất phấn khởi và cho rằng đây là một ý tưởng hay, giải tỏa được băn khoăn lâu nay của các nhà quản lý, người quan tâm đến Huế. Đó là làm thế nào để kết nối và làm năng động được các công viên khu vực bờ Nam sông Hương.
Tuy nhiên, để tạo ra sự đồng thuận cao khi dự án triển khai trên thực tế ông Nguyễn Văn Thành đề nghị đơn vị tư vấn cần lưu ý đến giải pháp thiết kế sao cho hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hiện trạng sông Hương cũng như các công trình hiện có như Trung tâm dịch vụ Festival. Về hình thức kiến trúc cũng nên sử dụng những vật liệu có độ bền cao và phù hợp với Huế như: gỗ, đá, thép không rỉ vì khí hậu ở đây khắc nghiệt dễ hư hỏng, không nên dùng kiến trúc cách điệu hay hiện đại hóa quá mức, cần quan tâm đến giải pháp che nắng, ưu tiên cây xanh để du khách có thể đi bộ ngắm cảnh ngay giữa trưa hè. Ngoài ra, phía tư vấn cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp chi tiết không chỉ cho công viên ở hai phía cầu Phú Xuân mà tính đến sự kết nối giữa công viên cầu Dã Viên và công viên Lý Tự Trọng. Mặc dù không nằm trong phạm vi dự án nhưng thành phố sẽ dành nguồn lực để đầu tư các công trình này với mong muốn tạo ra một công viên liên hoàn, xuyên suốt.
Theo kế hoạch, phương án chọn của dự án thí điểm sẽ phải được thống nhất chọn vào đầu tháng 12/2015, tuy nhiên do phải cân nhắc để tìm ra phương án phù hợp khiến quá trình nghiên cứu kéo dài. Thời gian cho dự án này không còn nhiều. Giáo sư Ohn Yeong Te cho rằng, cần thống nhất chọn ra một phương án sớm để đơn vị tư vấn có cơ sở tiếp tục nghiên cứu và nỗ lực hoàn chỉnh dự án trong thời gian sớm nhất, thời điểm ấn định là trước tháng 3/2016 (báo cáo giữa kỳ lần 2), từ đó có thể triển khai và phấn đấu hoàn thành dự án trong năm 2017.