Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 33.139

Chuyện về một tộc người mang họ Bác Hồ
Lượt đọc: 122521Thời gian: 21:18 - 15/05/2015

(VHH) - Nơi đại ngàn Trường Sơn thuộc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có nhiều dân tộc anh em sinh sống như Pa Kô, Vân Kiều, Tà Ôi… trong đó, đông nhất là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều định cư chủ yếu ở các huyện A Lưới, Hướng Hóa, Đakrông.

Xưa kia, người Pa Kô, Vân Kiều có một nét văn hóa hết sức riêng biệt, đó là đặt tên người theo biểu tượng của cây cối, muông thú như: Arâl, Târnau, Kê, Pata, Plo, Prung. Thế nhưng hiện nay, tất cả các tộc người Pa Kô, Vân Kiều đều có chung một họ Hồ. Đây là sự tri ân của đồng bào đối với công ơn của Đảng và Bác Hồ đã mang lại cho dân tộc cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những quãng ngày u tối

Trong tiếng Tà Ôi, “Pa” là “phía”, “Kô” là “núi”. Pa Kô là người phía bên kia núi. Đến bây giờ, người già Pa Kô ở huyện Đakrông, Quảng Trị vẫn lưu truyền câu chuyện về nguồn gốc của mình. Câu chuyện của họ có gì đó ngậm ngùi, hờn tủi như chính tên gọi của tộc người, như hành trình của tổ tiên họ đến với vùng đất miền Trung Việt Nam.

Câu chuyện đó kể rằng: Người Pa Kô là hậu duệ của người Pa Đoal, một tộc người hiện sống phổ biến ở Myanma. Sau, vì những biến cố lịch sử mà di cư sang Lào. Nhưng do không hợp thổ nhưỡng, khí hậu và tôn giáo, họ lại làm một cuộc thiên di về phía mặt trời mọc, tức là về phía Việt Nam. Khi chạm dãy Trường Sơn, do ở đó đã có người Tà Ôi sinh sống từ trước, không thể tranh giành những phần đất đai màu mỡ đã có chủ nên họ đành dịch chuyển qua những ngọn núi cao, chọn cho mình những nơi hoang vu để định cư. Tên gọi Pa Kô - tức là người phía núi cũng bắt đầu từ đó.

Ngày nay, người Lào vẫn gọi người Pa Kô là Noọc. Ngôn ngữ của người Pa Kô và người Pa Đoal ở Myama có nhiều từ ngữ giống nhau. Những người già còn nhớ nhiều phong tục tập quán của cha ông, giống người Pa Đoal, không tìm thấy ở bất cứ tộc người nào sinh sống quanh đó, như: Đeo một cái vòng đồng cuốn tròn ở cổ, tóc búi cao trên đầu xuyên bằng một cái trâm…

Còn đối với người Vân Kiều xưa kia, họ từng sinh tụ ở miền Trung Lào, sau do những biến động lịch sử, họ phải di cư, một bộ phận đi theo hướng Tây Bắc sang Thái Lan, một bộ phận đi theo hướng Đông về Việt Nam rồi dựng làng ở xung quanh ngọn núi Viên Kiều (Vân Kiều). Về sau, người ta lấy tên của ngọn núi ấy đặt cho một tổng của người Bru và từ đó, cái tên Vân Kiều mới được hình thành. Phần đông người Vân Kiều cư trú trong các làng tương đối biệt lập trên đồi hoặc lưng chừng núi, dọc theo những con nước.

Trước kia, người Pa Kô, Vân Kiều sống gần như tách biệt, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm. Người già ở Đakrông, Quảng Trị kể lại rằng, dân tộc của họ phải mang lời nguyền truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mãi sống kiếp lang thang, đời đời cô độc như đại bàng không có tổ, sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong hang đá. Những người Pa Kô, Vân Kiều ở đây cũng không nằm ngoài quy luật này. Họ sống lầm lũi, cô độc giữa rừng sâu, không mấy liên hệ với cộng đồng xung quanh mình.

Người Pa Kô, Vân Kiều quan niệm, một ngọn núi, phía trên là địa phận của trời, là nơi linh thiêng để vươn tới, còn bên dưới là cõi âm, cây cối, đất đai, sông suối... thuộc về ma, thế nên họ không có thói quen sinh sống tại những vùng thấp. Chính vì lẽ ấy mà dẫu bao đời chịu đói khổ vì sống biệt lập nơi rừng hoang, thiếu nước và đất canh tác, nhưng người Pa Kô, Vân Kiều vẫn không chịu rời khỏi vùng đất của tổ tiên. Đã vậy, các hủ tục hà khắc, thói quen sinh hoạt lạc hậu, chất lượng cuộc sống thấp càng khiến cho số dân của dân tộc này ngày một ít đi.

Cuộc sống đói khổ, số lượng dân cư ít ỏi là vậy, nhưng những người dân Pa Kô, Vân Kiều hiền lành, thương khó này đã cùng "đất nước đứng lên" chống lại kẻ thù xâm lược. Những nếp nhà Pa Kô là nơi che giấu cho bộ đội cách mạng vượt qua bao cuộc truy lùng "tìm diệt" gắt gao của giặc; nhiều thanh niên Vân Kiều đã tạm biệt buôn làng để theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, họ trở lại với bản làng mình, trở thành những hạt giống nòng cốt trong việc đưa dân tộc mình vượt qua gian khó.

Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ

Sau này, nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, người Pa Kô, Vân Kiều đã bước ra khỏi rừng già sâu thẳm để lập làng, lập bản. Từ cuộc sống ăn hang ở lỗ, từ mái đá hoang vu, người Pa Kô, Vân Kiều  đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt, nhất là trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Từ đó, để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng người Pa Kô đã xin được lấy họ Hồ làm họ của mình. Lịch sử ghi nhận rằng, sự có mặt người Pa Kô trên đất Việt Nam muộn hơn so với nhiều dân tộc khác, song với nền nếp chuẩn mực nên cộng đồng này tạo được nhiều dấu ấn tốt đẹp trong việc hòa nhập với các dân tộc bản địa đến trước đó và góp thêm nhiều bản sắc văn hóa độc đáo.

Anh Hồ Văn Linh, người dân tộc Pa Kô, cán bộ Tòa án huyện Đakrông, kể: Vào năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù phân hóa lợi dụng.

Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Cóc Tăng tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Hồ làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Và, trong thẻ cử tri của mình, lần đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ.

Trên thực tế, tuy chưa được gặp Bác Hồ nhưng rất nhiều thanh niên Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ và tham gia kháng chiến trên mặt trận Đường 9 năm 1947 và để lại tên tuổi trong lịch sử kháng chiến chống pháp của quân và dân Quảng Trị như: Ông Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Hồ Cam, Hồ Hương...

Cũng chính bởi tấm lòng luôn hướng về Cụ Hồ của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều nên năm 1957, khi nghe tin Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, chính quyền đã cử đại diện ra gặp Bác để xin được mang họ Bác Hồ. Lịch sử cách mạng huyện Hướng Hóa cũng có ghi rất rõ: “Tháng 6/1957, Bác Hồ vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, người Vân Kiều, Pa Kô ở Vĩnh Linh cử đại biểu do ông Hồ Ray đại diện ra gặp Bác Hồ để xin cho người Vân Kiều, Pa Kô mang họ của Người. Được Bác Hồ tặng họ, người Vân Kiều, Pa Kô đã cùng nhau kéo lên núi đốt lửa, giết trâu, hướng ra miền Bắc mà thề, đã là con cháu Bác Hồ thì phải thương yêu nhau như tay với chân, phải hết lòng theo Đảng, theo Bác...”. Và, sau khi Bác mất, hầu hết bà con Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị đều đã phổ biến mang họ Bác Hồ.

Còn đối với đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở Thừa Thiên Huế, việc mang họ Bác Hồ diễn ra muộn hơn. Một trong những người Pa Kô đầu tiên có được vinh dự ấy phải kể đến Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đức Vai, tức A Vai (SN 1940, người dân tộc Pa Cô, quê ở thôn Lê Lốc, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, vào du kích năm 1961). Đồng thời, ông cũng là một trong hai người dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Trung, Tây Nguyên được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (vào năm 1965 là A Vai của Thừa Thiên Huế và Bi Năng Tăk, dân tộc Răg Lai của tỉnh Ninh Thuận - người được gặp Bác Hồ 5 lần).

Theo cách mạng từ khi còn nhỏ, A Vai là người đầu tiên tự nguyện mang họ Hồ để về phổ biến trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Và sau này, ông được Bác Hồ đặt tên cho là Hồ Đức Vai. Tháng 9/1969, khi Bác mất, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Thừa Thiên Huế đã làm lễ để tang Bác và thống nhất theo Hồ Đức Vai lấy họ của Bác Hồ làm họ chung cho cộng đồng người dân tộc thiểu số ở phía Tây Thừa Thiên Huế.

 Xét trên bình diện lịch sử, đồng bào Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị đã được mang họ Bác Hồ rất sớm, chỉ một năm sau khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công. Tuy nhiên, cũng như Thừa Thiên Huế, sau khi Bác mất, người Pa Kô, Vân Kiều mang họ của Bác mới trở thành phổ biến trong cộng đồng và duy trì, phát huy cho đến ngày nay. Có thể, sự khác biệt về thời điểm lịch sử được mang họ Bác Hồ của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều giữa các địa phương là do điều kiện chiến tranh và sự ngăn cách chia rẽ, phá hoại gắt gao của kẻ thù. Nhưng qua đó cũng cho thấy, tấm lòng son sắt, thủy chung của bà con dân tộc Pa Kô, Vân Kiều nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn nói chung luôn hướng về Đảng và Bác Hồ, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng đất nước ngày nay.

BM (Theo Công lý)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL