Hiện nay, sản phẩm Bún bò Huế, Cơm vua Huế... đang được các tổ chức, doanh nghiệp tiến hành các bước để xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Với ưu thế là món ăn nổi tiếng của Huế từ lâu nay, bún bò Huế được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam chọn lựa, xét tuyển, công bố là một trong 14 đặc sản nổi tiếng và giá trị Việt Nam năm 2012. Đặc biệt, Bún bò Huế cũng được chọn là một trong 12 món ăn Việt được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á. Như vậy, Huế có một món ăn mang tầm quốc tế. Với giá trị được xác nhận, công bố, Bún bò Huế đang được Hiệp hội Khách sạn Huế tiến hành các bước để xây dựng thương hiệu cho món ăn này của Huế. Ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế người rất công tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm Bún bò Huế cho biết, năm 2014 đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quyết định đưa vào danh mục của Bộ và cấp cho Hiệp hội Khách sạn tiến xây dựng thương hiệu vào năm 2016. Đến nay các thủ tục đang được Hiệp hội khẩn trương tiến hành, phấn đấu trong năm 2015 - 2016 sẽ xây dựng hoàn tất để được công nhận thương hiệu sản phẩm Bún bò Huế.
Đối với ẩm thực Huế, dòng ẩm thực cung đình đang ngày càng được phục hồi, phát huy giá trị của nó. Những năm qua, ngành văn hóa - du lịch; những nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các nghệ nhân ẩm thực, các doanh nghiệp du lịch Huế có sự nghiên cứu, tìm tòi làm sống lại những giá trị cùa dòng ẩm thực này. Một tiệc ẩm thực cung đình được phục dựng tại khách sạn Hương Giang từ năm 1990, đến nay nhiều khách sạn nhà hàng ở Huế đưa dịch vụ cơm cung đình vào phục vụ du khách và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Huế. Việc xây dựng thương hiệu cho ẩm thực cung đình với tên gọi quen dùng trong ngành du lịch Huế là “cơm vua” được Cty cổ phần du lịch Hương Giang mong muốn thực hiện bao năm nay. Ông Lữ Hùng - Phó giám đốc Khách sạn Hương Giang Resort & Spa cho biết, cho đến bây giờ hình thức cũng như nội dung dịch vụ cơm cung đình tại Hương Giang đã tương đối hoàn chỉnh và được các hãng lữ hành, nhiều du khách đón nhận. Trong thời gian tới khách sạn tiếp tục tìm hiểu thêm về thực đơn để cố gắng làm sao ngày càng hoàn thiện hơn; đồng thời mong muốn các ngành liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách sạn tiến tới xây dựng thương hiệu cho loại hình ẩm thực này nhằm góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực độc đáo của Huế.
Lâu nay do việc chậm xây dựng thương hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nên “cơm vua Huế” đã bị những nhà kinh doanh lợi dụng thương hiệu để thu lợi cho mình. Có nhiều món ăn cung đình không được chế biến theo đúng cách thức, nguyên bản; điều này ảnh hưởng làm giảm giá trị của dòng ẩm thực riêng có của Huế.
Hiện nay nhiều món ăn độc đáo giá trị khác của Huế mà từ lâu trở thành món ăn đặc sản được nhiều người biết đến cũng đang cần xác lập thương hiệu riêng, như bánh khoái Huế, cơm hến Huế, mè xửng Huế, chè sen Huế…Việc xây dựng thương hiệu ẩm thực Huế, quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước đang cần được sự vào cuộc của các ngành liên quan. GĐ Sở VHTT&DL Phan Tiến Dũng cho biết Sở đang phối hợp với các cơ quan, một số Viện nghiên cứu nhằm thiết lập hoàn thiện các mẫu hồ sơ chính thức để đăng ký với Cục Di sản Văn hóa và hội đồng xét duyệt về di sản quốc gia để xem xét và công nhận ẩm thực Huế là một trong những giá trị độc đáo của Việt Nam.
Trong Chiến lược phát triển thương hiệu đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, theo kế hoạch đến năm 2015 này tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Huế cho sản phẩm Bún bò Huế; Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Cơm vua Huế"; Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản Mè xửng Huế và Ruốc Huế. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho sản phẩm Bún bò Huế và Mè xửng Huế. Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cho ẩm thực Huế là rất cần thiết, nhằm bảo đảm giá trị, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của du khách; đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị, danh tiếng của đặc sản ẩm thực Huế.