Vừa trở về Huế sau chuyến đi, nhà thơ Võ Quê vẫn còn nguyên cảm xúc về buổi nói chuyện đặc biệt ấy.
Ông cho biết, đây là lần thứ 29, Hội thảo văn học hè thường niên được Viện William Joiner tổ chức, với khoảng 50 đại biểu là các tác giả liên quan về chiến tranh. Trong số họ có những người như Fred Marchant, từng trốn lính để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam; bà Lady Borton, người từng có mặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam và có nhiều cuốn sách viết về Việt Nam. Cũng có những nhà văn là cựu binh, trở về từ cuộc chiến Iraq.
Việt Nam có ba người được mời là nhà văn Phạm Hoa, Trần Thị Thắng và nhà thơ Võ Quê- một nhà thơ cách mạng, với những bài thơ xuống đường trong phong trào thanh niên đô thị. “Hội thảo văn học hè được dành cho các tác giả viết về chiến tranh. Nói về chiến tranh để thế giới an bình. Đó cũng là trách nhiệm, bổn phận của những nhà văn chân chính”, nhà thơ Võ Quê bày tỏ.
Nhà thơ Võ Quê (bên trái) giới thiệu nhạc cụ ca Huế qua ảnh tại Hội thảo văn học hè thường niên do Viện William Joiner tổ chức. (Ảnh do nhà thơ Võ Quê cung cấp)
Với ý nghĩa nhân văn ấy, nhà thơ Võ Quê được mời đến Mỹ, với tập thơ "Lục bát Côn Đảo". Tập thơ gồm 10 bài thơ song ngữ Anh - Việt, được Võ Quê sáng tác năm 1972 ở nhà tù Côn Đảo. Đó là những bài thơ được sáng tác bí mật trên lá bàng, trên những mảnh giấy quấn thuốc lá, chuyền cho anh em, đồng đội, đồng chí trong nhà lao.
Điều nhà thơ Võ Quê xúc động là những bài thơ phản chiến, những bài thơ xuống đường một thời ấy, nay lại được đọc trên đất Mỹ. Ông cũng đã kể cho các nhà văn, nhà thơ Mỹ nghe về cuộc sống của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong tù ngục. Trước hiểm nguy, gian khổ, họ đã làm thơ, viết nhạc để đấu tranh, để động viên nhau, để hun đúc tinh thần yêu nước. Đẹp nhất là hình ảnh những giờ nhà lao mở cửa để tù nhân nữ được sưởi nắng. Các chị ùa ra sân, tranh thủ nhặt lá bàng. Những chiếc lá bàng để làm thơ, để nấu nước sôi chống trả sự đàn áp ở nhà tù. “Những vần thơ, những câu chuyện của chính người trong cuộc đã giúp bạn hiểu sâu hơn sự phi nghĩa của chiến tranh. Khi quá khứ đã khép lại, họ đón nhận nó một cách cởi mở, thân ái, cảm phục”, nhà thơ Võ Quê bày tỏ.
Một bất ngờ là trong khuôn khổ hội thảo, nhà thơ Võ Quê được mời đích danh giới thiệu về nghệ thuật ca Huế. Cách đây 21 năm (1995), ông từng được chỉ định dẫn đoàn ca Huế, cũng là đoàn nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam tới Hoa Kỳ biểu diễn. Sự độc đáo của ca Huế đã để lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả Mỹ lúc ấy. Riêng nhà thơ Fred Marchant đã nhiều lần đến Huế để nghe ca Huế, kể cả nghe ca Huế trên sông Hương. Buổi nói chuyện của nhà thơ Võ Quê lần này được GS. Nguyễn Bá Chung (chuyên viên Viện William Joiner) và Fred trực tiếp phiên dịch.
“Không kịp chuẩn bị nhiều. Cũng không có nhạc công và diễn viên. Trong 45 phút ngắn ngủi, tôi đã chuyển tải một cách dễ hiểu nhất lịch sử hình thành, giá trị độc đáo của ca Huế và kèm với lời ca minh họa. Anh Nguyễn Bá Chung cũng kịp in các bức ảnh mô tả nhạc cụ ca Huế và một số hình ảnh biểu diễn ca Huế thính phòng được phóng lớn để minh họa. Nhưng sự mộc mạc ấy không làm giảm đi hứng thú của người nghe dành cho ca Huế”, nhà thơ Võ Quê chia sẻ.
Sau chuyến đi, nhà thơ Võ Quê cho hay, ông đã nảy ra một ý tưởng mới. Ông sẽ cùng với GS. Nguyễn Bá Chung làm một tuyển tập các bài bản ca Huế song ngữ, bằng tiếng Việt và Anh, để giới thiệu những tác giả tên tuổi như Tản Đà, Ưng Bình, Kiều Khê, Mai Am...Và cả những bài bản ca Huế khuyết danh. Ông tin rằng, cũng như thơ, nghệ thuật ca Huế có thể bắc những nhịp cầu văn hóa, kết nối những bến bờ hữu nghị.