Tìm kiếm

 

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 7.737.917
Truy câp hiện tại 39.040

Phát triển văn hóa: Phải từ "gốc" là con người
Lượt đọc: 100351Thời gian: 10:12 - 14/08/2016

(VHH) - Văn kiện Đại hội XII nhiều lần nhấn mạnh, trong phát triển văn hóa, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là hạt nhân quan trọng tạo ra văn hóa...

Trong 30 năm đổi mới, lĩnh vực văn hóa luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Điều này được thể hiện qua việc Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến văn hóa, nhằm bảo đảm những điều kiện cần thiết cho sự phát triển của lĩnh vực đặc biệt này.

Có thể khẳng định, những thành tựu trong công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong những năm qua rất đáng tự hào. Đó là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển, góp phần tạo nên những giá trị, bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, trong điều kiện, hoàn cảnh mới với những diễn biến phức tạp của tình hình trong và ngoài nước như mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu “diễn biến hòa bình”... đã tác động đến nền văn hóa dân tộc.

Xây dựng văn hóa, con người: Quyết sách quan trọng

Một trong những quyết sách quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XII là xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nó vừa thể hiện quan điểm cơ bản, lâu dài, vừa là phương hướng nhiệm vụ của những năm tới về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và phát triển, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong Văn kiện Đại hội Đảng XII, cụm từ “phát triển văn hóa” được nhấn mạnh, nhắc lại nhiều lần, thể hiện sự khẳng định mạnh mẽ trong nhận thức của  Đảng. Trọng tâm công tác phát triển văn hóa không chỉ là “xây dựng” mà phải đẩy nhanh tốc độ “phát triển” trên cơ sở phát triển bền vững, hài hòa, gắn kết giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. “Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” phù hợp và thống nhất với tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW. Bởi phát triển trong đó đã bao hàm sự xây dựng, xây dựng là tạo nền tảng cơ sở, tạo ra cái “vốn”, cái bản sắc, giờ phải vừa xây, vừa phát triển, phát huy, nhân rộng và tỏa sáng những giá trị tốt đẹp của văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, Đảng ta xác định rõ ràng về một vấn đề có tính quy luật như xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong những năm tới. Đồng thời nêu lên quan điểm “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” là một trong những mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh.

“Việc đưa nhiệm vụ “bảo vệ nền văn hóa dân tộc” vào Văn kiện lần này là cần thiết thể hiện sự đổi mới trong nhận thức, tư duy phát triển chiến lược. Vì thực tế đã chứng minh, văn hóa không chỉ là tinh thần xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn là sức mạnh nội sinh quan trọng để vừa đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước, vừa là một trong những nhân tố then chốt làm nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. “Bảo vệ nền văn hóa dân tộc” thực chất là bảo vệ những đặc tính riêng, mẫu “gen” gốc, những giá trị bền vững, tinh tế, cốt lõi nhất để bảo vệ cho dân tộc ấy trường tồn, phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thì nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách, quan trọng”- PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.

Phát triển văn hóa: Phải từ con người

Văn kiện nhiều lần nhấn mạnh, trong phát triển văn hóa, yếu tố con người đóng vai trò quan quan trọng bậc nhất, là hạt nhân quan trọng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là đối tượng hưởng thụ, chịu sự tác động, chi phối của chính nền văn hóa đó. Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng con người, bởi đây là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập toàn cầu, bên cạnh những ý kiến tích cực thì những tác động xấu của cơ chế thị trường, sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Theo PGS.TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, hiện nay đang có tình trạng thiếu ổn định về hệ giá trị, ở đó các chuẩn mực giá trị truyền thống phần nào bị lung lay, điển hình là mối quan hệ ông bà, cha mẹ-con cháu, quan hệ thầy-trò, sự suy giảm lòng tin trong phạm vi rộng của xã hội. Hệ giá trị chuẩn mực chưa thực sự được củng cố và có phần nào bị phai nhạt: lý tưởng, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, lòng vị tha nhân ái, tính cố kết cộng đồng... “Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người. Mọi hoạt động văn hóa, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật, báo chí, xây dựng các thiết chế văn hóa... đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa con người”.

Cũng nhấn mạnh điều này, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, “những biểu hiện của tệ nạn xã hội, bạo lực, tham nhũng, quan liêu... ngày càng gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, làm suy thoái đạo đức, nhân cách con người. Đây là một trong 4 nguy cơ lớn mà Đảng chỉ ra liên quan mật thiết đến sự tồn vong của chế độ. Vì thế xây dựng, hình thành những con người có nhân cách, phẩm chất, có trình độ, năng lực đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách”.

PGS.TS Đoàn Thế Hanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó đúc kết, từng bước xây dựng trong thực tế hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân... Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, làm cho mọi người dân đều hiểu biết sâu sắc tự hào, tôn vinh lịch sử văn hóa dân tộc. Đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa...

BM (Theo VOV)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết dạng logo
di sản thế giớidi sản xanhlễ hội Việt Nambáo sức khỏe và đời sốngBáo Thừa Thiên Huếbáo gia đìnhBộ VHTTDL