Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động văn hóa và thể thao trên địa bàn tỉnh.
Lượt đọc: 70471Thời gian: 11:43 - 31/08/2016

(VHH) - Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri quan tâm đã được các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn trực tiếp UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh.

Sau phần trả lời chất vấn của lãnh đạo ngành NN&PTNT, Đồng chí Phan Tiến Dũng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao được sự ủy quyền của UBND tỉnh trực tiếp trả lời chất vấn trước Hội đồng một số ý kiến về vấn đề liên quan đến hoạt động Văn hóa và Thể thao trên địa bàn tỉnh.

Về ý kiến của đại biểu Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nêu: "Ngày 09/12/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao đã ký Quyết định số 2854 về việc Phê duyệt Đề án phát triển mỹ thuật Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó, phần nhiệm vụ và giải pháp có nêu: "Xây dựng phương án phát triển Bảo tàng Văn hóa Huế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cân đối bố trí ngân sách tuyển chọn các tác phẩm mỹ thuật, các bộ sưu tập có giá trị để tạo tiền đề cho việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ". Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh cho biết rõ hơn về lộ trình hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế sẽ diễn ra từ thời điểm nào? Giới văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế đang mong mỏi tỉnh sớm có Bảo tàng Mỹ thuật Huế; bởi truyền thống mỹ thuật Huế là rất lớn, hiện cũng đang có một số họa sỹ tên tuổi trong nước và quốc tế hiến tranh cho Thừa Thiên Huế chưa biết cất giữ ở đâu, giới họa sỹ và nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế cũng đang bức xúc khi chưa có nơi nào đáp ứng được không gian triển lãm các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh..."

Đại biểu Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương nêu câu hỏi chất vấn

Dưới đây, Trang Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao đăng tải nội dung trả lời chất vấn của đồng chí Phan Tiến Dũng về nội dung nêu trên tại kỳ họp:

Căn cứ các Quyết định về Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, trong đó có nội dung về Thành lập Bảo tàng Mỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2030; các văn bản thực hiện của tỉnh Thừa Thiên Huế về việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế.

Trong những năm qua, mặc dù Bảo tàng Mỹ thuật Huế chưa ra đời nhưng tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương và giao cho Sở Văn hóa Thông tin trước đây (sau đó là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nay là Sở Văn hóa và Thể thao), mỗi năm dành một khoản kinh phí để mua và sưu tập được 12 tác phẩm mỹ thuật xuất sắc đạt giải qua các đợt liên hoan (như của các họa sĩ: Vĩnh Phối, Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Lê Văn Nhường, Ngô Tâm, Trần Duy Linh, Nguyễn Thị Hòa v.v.) nhằm làm cơ sở cho việc hình thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế về sau. Những tác phẩm này đang được bảo quản tại Sở Văn hóa và Thể thao. Sở cũng đã tiếp tục lập dự trù kinh phí cho việc sưu tầm các tác phẩm mỹ thuật năm 2017.

Đ/c Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời chất vấn

Hiện nay trên tuyến đường Lê Lợi, khu vực đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân, đã có các thiết chế văn hóa nghệ thuật như Công viên - tượng của chí sĩ Phan Bội Châu, Bảo tàng Văn hóa Huế, dự kiến sắp tới sẽ có Trung tâm trưng bày tác phẩm thêu (hoặc Bảo tàng về nghề thêu), Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao, UBND tỉnh cũng đang xem xét cho hoán đổi vị trí chuyển Nhà trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị từ đường Phan Bội Châu đến khu vực này (vị trí của Trung tâm Festival Huế) để tập hợp tạo thành hệ thống chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận dễ dàng nhất về các giá trị mỹ thuật; đồng thời góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Huế. Như vậy, tại trục đường Lê Lợi đã hình thành các Bảo tàng, nhà trưng bày về các tác phẩm mỹ thuật theo không gian mở, ngoài hệ thống trên còn có các tác phẩm nghệ thuật ngoài trời với 87 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc qua các Trại sáng tác điêu khắc quốc tế hiện đặt tại các công viên hai bên bờ sông Hương.

Đại biểu biểu quyết thông qua NQ về kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án trục không gian văn hóa nghệ thuật trên đường Lê Lợi, khu vực từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân gồm một chuỗi các Bảo tàng, Trung tâm nghệ thuật (mà cốt lõi là các tác phẩm mỹ thuật) để phục vụ công chúng và khách du lịch. Sở sẽ phối hợp cùng các nhà nghiên cứu để chọn lựa đưa một số tác phẩm ngoài trời đang nằm ở các trại điêu khắc tại Thuận An (khu Tam Giang Resort) - Huyện Phú Vang, khu vực Thiên An, Hồ Thủy Tiên - Thị xã Hương Thủy… để về trưng bày tại khu vực này. Riêng Bảo tàng Văn hóa Huế (hiện đang do UBND thành phố Huế trực tiếp quản lý) sẽ được đầu tư nâng cấp thành Bảo tàng Mỹ thuật Huế, trong đó chọn lọc để hình thành hệ thống trưng bày những giá trị điển hình của Mỹ thuật Huế, trước mắt sẽ  bổ sung thêm một nội dung rất có giá trị là các tác phẩm nghệ thuật Chăm pa (tỉnh sẽ tập trung các hiện vật Chăm pa đang lưu giữ, bảo quản ở nhiều nơi trong tỉnh). Bên cạnh các tác phẩm đã có, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục cùng các đơn vị trong tỉnh sưu tầm các tác phẩm tiêu biểu của các tác giả trong và ngoài nước nhằm làm phong phú nội dung trưng bày tại Bảo tàng này. Căn cứ các quy định về thành lập Bảo tàng, UBND tỉnh sẽ có văn bản thỏa thuận với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi có quyết định về thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế khi đã đảm bảo các tiêu chí quy định. Tin chắc rằng với vị trí thuận lợi, với các hiện vật, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được hội tụ. Bảo tàng Mỹ thuật Huế sắp tới sẽ là một địa chỉ văn hóa hấp dẫn cho công chúng thưởng ngoạn và là một điểm đến lý thú không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Huế của du khách trong nước và quốc tế.

BBT
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày