Đầy hấp lực
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vùng giáp ranh giữa huyện A Lưới, Nam Đông và các địa phương huyện Tây Giang, Đông Giang (Quảng Nam) hình thành nên những điểm giao thương về văn hóa thổ cẩm. Trong ký ức của nhiều phụ nữ Tà Ôi, nhắc đến "con đường giao thương" này họ đỗi tự hào. Bà Kăn Hau (62 tuổi, xã A Roàng) bảo rằng, thông qua việc mua bán, người Tà Ôi gián tiếp truyền nghề cho các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh.
Bà Lê Thị Liều (60 tuổi, xã A Đớt) kể, một tấm dzèng đơn giản thường dệt trong một tuần, những tấm đính cườm dày, màu sắc cầu kỳ thì dệt mất cả tháng và không phải ai cũng có tiền mua. Dzèng phần lớn được dùng để trao đổi hàng hóa, lấy lương thực, chén sứ, ché, mã não... "Dzèng hội tụ bản sắc, văn hóa tâm linh của dân tộc người Tà Ôi, đó là lễ vật được đồng bào coi trọng. Người Tà Ôi muốn văn hóa của dân tộc mình được nhiều người biết đến. Thỉnh thoảng trong chuyến đi, tui bày cho người Cơ Tu, Pa-Kô cách dệt dzèng Tà Ôi. Hay con gái Tà Ôi lấy chồng ở Quảng Nam, mang theo bản sắc nhập vào vùng đất mới. Gắn kết tinh thần, văn hóa của các dân tộc anh em", bà Liều trải lòng.
Nhà thiết kế Minh Hạnh bảo rằng, dệt dzèng của dân tộc Tà Ôi ở A Lưới có nét riêng biệt, đó chính là những hạt cườm được dệt xuyên qua sợi chỉ để tạo ra đường nét hoa văn độc đáo, gần gũi với đời sống của người Tà Ôi, như hoa sim, cây chuối... Ngoài ra, dệt dzèng là phương cách để thể hiện rõ nét bản sắc của vùng miền, mang đậm ý niệm về sức mạnh của thiên nhiên, do vậy thổ cẩm A Lưới luôn đầy hấp lực.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VHTT huyện A Lưới chia sẻ: “Dệt dzèng không chỉ để giữ nét văn hóa đặc trưng của người Tà Ôi mà thông qua sản phẩm này, nền văn hóa của các dân tộc được giao thoa. Việc trao đổi, mua bán khiến nét đẹp được phát triển, tạo nên “hương sắc” văn hóa phong phú cho đồng bào vùng cao”.
Xuất ngoại
Nghệ nhân tóc đã điểm sương Mai Thị Hợp (Chủ nhiệm HTX dệt dzèng - thị trấn A Lưới) khi nhắc đến chuyện thổ cẩm xuất ngoại xúc cảm vẫn còn nguyên. “Năm 2015, trong dịp cùng đi với nhà thiết kế Minh Hạnh ra Hà Nội, những tấm dzèng của tôi được lên sàn diễn thời trang. Sau đó gặp Phó Thị trưởng thành phố Fukuoka (Nhật Bản), khởi đầu cho chuyến đưa dzèng A Lưới xuất ngoại đầu tiên”, bà Hợp bày tỏ.
Tại sàn diễn thời trang ngày hội Kimono ở Nhật năm đó, bà Hợp trình diễn dệt dzèng, đồng thời 20 tấm dzèng A Lưới được trải thảm trên đường diễn thời trang của người mẫu quốc tế. Bà Hợp cho biết: “Nhiều người hỏi trong văn hóa Tà Ôi những tấm dzèng trải thảm diễn có ảnh hưởng đến tâm linh hay không. Tôi bảo, dzèng cũng là lễ vật cúng tổ tiên của người Tà Ôi, nhưng đã là lễ vật sẽ không mang ra ngoài, còn những tấm dzèng này là sản phẩm thời trang, được xem như hàng hóa nên không sao. Tại Nhật Bản, dù nhiều người hỏi mua dzèng nhưng tui không bán, vì chuyến đi này là để quảng bá sản phẩm và văn hóa của dân tộc”.
Sau chuyến đi Nhật của bà Hợp, dzèng A Lưới được nhiều du khách biết đến, nhiều nhà thiết kế đặt hàng. Tại Festival áo dài diễn ra ở Hà Nội năm 2016, ngoài lên sàn diễn, dzèng được du khách đặt mua khá nhiều. Cơ duyên một lần nữa dzèng Tà Ôi có dịp xuất ngoại. Bà Mai Thị Hợp kể, tháng 9/2016, bà cùng nhà thiết kế Minh Hạnh đến Paris (Pháp) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới với các nước châu Âu. "Chuyến quảng bá sản phẩm đó chỉ có 3 nước, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Buổi trình diễn trang phục có cả các thành viên của Ủy ban châu Âu, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Cô Lê Na, một Việt kiều Pháp hoạt động trong lĩnh vực thời trang, người dẫn chương trình đêm diễn mặc trang phục truyền thống của người Tà Ôi khiến tôi rất xúc động và tự hào. Những tấm dzèng cũng được trải thảm trên sàn diễn, phía dưới tôi ngồi dệt và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình cho du khách thưởng thức. Một du khách người Mỹ sau khi xem tôi dệt, tìm hiểu về văn hóa người Tà Ôi, cô ấy muốn mua luôn bộ trang phục tôi đang mặc. Tự hào nhất là tôi được truyền nghề cho du khách ngay tại Paris", bà Hợp tâm sự.
"Người Pháp và giới thời trang của Pháp luôn bất ngờ, ngưỡng mộ dành cho chị Mai Thị Hợp và dzèng A Lưới. Với hai buổi biểu diễn tại Bảo tàng Albert Kahn (Pháp), chị Hợp đã thể hiện sự điêu luyện dệt dzèng cùng nụ cười thân thiện. Người Pháp đủ kinh nghiệm để đọc được tâm hồn của người dệt qua từng thao tác. Chính sự hiện diện của chị Hợp đã làm cho những thiết kế Haute Coute trở nên có chiều sâu và luôn cả sự kính trọng", nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.