Dệt Zèng và mối "duyên" Festival Nghề truyền thống Huế
Lượt đọc: 90235Thời gian: 14:58 - 13/01/2017

(VHH) - Có thể nói, mặc dù đã được quan tâm bảo tồn từ trước đó, song chính Festival Nghề truyền thống Huế 2015 là thời điểm Dệt Zèng (A Lưới) được giới thiệu rộng rãi hơn đến với công chúng và du khách trong ngoài nước, để rồi từ đó chắp cánh cho Dệt Zèng bay xa, được vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2 năm sau đó.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015, người dân Huế và du khách bất ngờ nhưng cũng rất thú vị với sự xuất hiện của Dệt Zèng tại vị trí trung tâm trang trọng nhất của Công viên Tứ Tượng (nơi dành tôn vinh cụm nghề Dệt). Cũng tại Festival, trong chương trình khai mạc, lần đầu tiên những bộ quần áo thiết kế từ chất liệu thổ cẩm Zèng đã được khoác trên người những hoa hậu, người mẫu nổi tiếng xuất hiện trên sân khấu, đó là cơ hội để Dệt Zèng, vốn dĩ là một loại hình văn hóa đặc thù của người dân các huyện miền núi A Lưới bừng sáng và ghi dấu ấn đối với công chúng.

Lâu nay, khi nghĩ đến thổ cẩm người ta thường nghĩ ngay đến "văn hóa mặc" những dân tộc vùng núi Tây Bắc, nhưng đến khi tận mắt chứng kiến tài hoa của những người thợ Dệt Zèng mới chợt nhận ra, ngay tại Thừa Thiên Huế cũng có văn hóa đặc sắc và độc đáo không kém. Có thể nói, Dệt Zèng là một phần máu thịt tinh thần của bà con Tà Ôi ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế, bởi nó đã ăn sâu vào tâm hồn con người nơi đây như lẽ tự nhiên. Những khung cửi, sớ chỉ, chuỗi hạt cườm được kết đan với nhau một cách thủ công qua bàn tay khéo léo của những người chị, người mẹ, người em gái A Lưới qua nhiều thế hệ đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Theo đánh giá của các nhà thiết kế thời trang, điều đặc biệt nhất của thổ cẩm dệt Zèng chính ở những điểm nhấn hoa văn bằng cườm. Những hạt cườm nhỏ được dệt chung, nằm trong các kết cấu đan chỉ và được sắp xếp bằng tay để trở thành những hình tượng, họa tiết, hoa văn độc đáo, sống động . Với các nghệ nhân người dân tộc, cuộc sống đã bước vào tấm vải với những hoa văn cách điệu từ ngọn chông anh dũng chống giặc, những sinh hoạt đời thường hay là tài sản thiên nhiên mà đất trời ban tặng. Và giá trị nghệ thuật và nhân văn cũng nằm ở đây. Cho dù những yếu tố của thổ cẩm Zèng đều được cấu thành từ những điều bình dị và ngây ngô, nhưng chúng là chân thật. Nghệ thuật là những phản ánh về cuộc sống xung quanh và được người nghệ nhân nâng tầm, biến hoá thành những khái niệm nghệ thuật trừu tượng hơn.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Huế, Phó ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết bản thân rất vui mừng khi Dệt Zèng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông cho biết, sau khi đoàn khảo sát gồm đạo diễn, nhà thiết kế đến A Lưới để chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống 2015 và giới thiệu ý tưởng này cho Ban tổ chức thì rất được hoan nghênh. Và đúng như kỳ vọng, tại Festival Nghề truyền thống Huế lần đó, Dệt Zèng đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt của không gian tôn vinh nghề truyền thống, là nét đặc trưng của nghề truyền thống của Huế giới thiệu tại Festival nghề. Tuy không sang trọng, cầu kỳ như Dệt của những vùng miền khác, nhưng dệt Zèng là có nét chân chất, mộc mạc và thấm đẫm văn hóa của bà con dân tộc. “Dệt Zèng đã góp phần đem lại sự phong phú cho không gian của Festival Nghề truyền thống và chính Festival Nghề truyền thống đã góp phần quảng bá, nâng tầm dệt Zèng” – ông Nguyễn Đăng Thanh nói với sự phấn khởi xen lẫn tự hào.  

Và đúng như thế, không chỉ dành một không gian đắc địa nhất giới thiệu Dệt Zèng và để các nghệ nhân trình diễn, chuẩn bị cho Festival làng nghề Huế 2015,  nhằm tôn vinh, giới thiệu nghề dệt Zèng, các nhà thiết kế đến từ Hà Nội, Huế đã cùng tìm hiểu, trao đổi và thiết kế nhiều bộ trang phục từ chất liệu thổ cẩm Zèng rất độc đáo để đưa ra giới thiệu ngay trong buổi lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2015, như nhà thiết kế Lan Hương là người nổi tiếng với các tà áo thêu tay kỳ công, đã giới thiệu những trang phục đầy cảm hứng từ thổ cẩm Zèng, còn Quang Tân, đại diện cho các nhà thiết kế của Huế không chỉ là thiết kế một còn ấp ủ cho một kế hoạch nghiêng về học thuật, luận án tiến sĩ với đề tài về nghệ thuật dệt Zèng. Ngay trên các sân khấu biểu diễn của Festival, đạo diễn Minh Hạnh đã đưa nhiều họa tiết, đường nét của dệt Zèng vào và tạo nên những ấn tượng rất đặc biệt với người xem.

Một kết quả đáng mừng đó là các sản phẩm đem đến Festival Nghề truyền thống Huế 2015 đều được tiêu thụ hết, nhiều hợp đồng cung cấp thổ cẩm Dệt Zèng đã được ký, Dệt Zèng đã vươn xa ra trong nước và quốc tế khi được Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp...với tài nghệ của các nhà thiết kế, Zèng trở nên sống động, quyến rũ từ đó được hoan nghênh ở nhiều nước Âu, Á, đặc biệt là Nhật Bản. Kết quả này vừa gây bất ngờ nhưng cũng rất xứng đáng với nỗ lực của những người tâm huyết bảo tồn, phát triển dệt Zèng. Thành quả hôm nay chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cảm hứng cho những người quan tâm bảo tồn và phát triển dệt Zèng nói riêng và các nghề truyền thống khác.

Những thành công của Dệt Zèng (A Lưới) là rất đáng tự hào, là điều mà các nhà tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế luôn mong muốn. Đó là làm thế nào có thật nhiều nghề truyền thống được giới thiệu, quảng bá và “chắp cánh” như Dệt Zèng (A Lưới) sau mỗi kỳ Festival Nghề truyền thống được tổ chức.

Quang Phong
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày