Chỉ tay về phía dãy núi mờ xa, già Trapát Gróoc nói: “Bản làng mình giờ đã đổi thay nhiều, nhưng tiếng cồng chiêng truyền thống bao đời nay không thể mai một. Tết đến, xuân về là dịp để người Cơ Tu tổ chức các lễ hội truyền thống, cùng với người Kinh và các dân tộc khác làm cho mùa xuân thêm vui tươi, thêm no đủ. Nay sức già, già vẫn canh cánh một điều phải làm gì để giữ mãi được tiếng cồng chiêng”.
Thay bộ trang phục truyền thống, già Trapát Gróoc bảo cháu nội vào nhà lấy những chiếc cồng, chiêng, ché được ông cất kỹ lưỡng ở nơi trang trọng nhất rồi say sưa đắm mình trong từng làn điệu cồng chiêng vang cả núi rừng.
Từ bàn tay khéo léo của già Trapát Gróoc, tiếng cồng chiêng vang lên những âm điệu khi thì trầm hùng, đĩnh đạc lúc lại réo rắt, nỉ non như những lời tự sự kể về truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người Cơ Tu...
Có thời điểm, vì cuộc sống khó khăn khiến bà con Cơ Tu ở Nam Đông dần quên đi tiếng cồng chiêng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống cứ dần mai một trong nỗi niềm đau đáu của những người già có tâm huyết. Và rồi, đám thanh niên dường như cũng hững hờ hơn với những âm thanh đẹp đẽ, hồn hậu của các nhạc cụ truyền thống. Nguy cơ thất truyền là điều khó tránh khỏi, nếu những người già, như Arây, Trapát Diên, Ating Vơơng... có khả năng sử dụng nhạc cụ cồng chiêng dân tộc dần khuất bên kia núi.
Tuổi hơn 80 mùa lúa, già Trapát Gróoc có hơn 60 mùa rẫy gắn bó với cồng chiêng. Già Trapát Gróoc quý cái cồng, cái chiêng như chính bản thân mình. Và ông canh cánh một điều phải sớm được truyền dạy lại những “ngón nghề” cồng chiêng của mình cho thế hệ con cháu.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền xã Thượng Long, Phòng Văn hóa huyện Nam Đông, già Trapát Gróoc lặn lội về tận từng thôn bản, gặp gỡ các già làng, những nghệ nhân cao tuổi để họ truyền dạy lại cách sử dụng cồng chiêng truyền thống của người Cơ Tu. Chính sự dày công mày mò, với biết bao tâm huyết già Trapát Gróoc đã rất bằng lòng.
Lớp dạy cồng chiêng do già Trapát Gróoc khởi xướng thu hút 20 thành viên trẻ trong bản làng A Xăng, Ka Đông, Cha Ke, A Goog, Tờ Vác – A Ur, A Chiếu, A Dài, A Prung và các xã khác trên địa bàn huyện Nam Đông. Ngày qua ngày, những thành viên của lớp học cồng chiêng trưởng thành nâng tay cồng tay chiêng thêm vững. Những chàng trai Cơ Tu mới hôm nào còn bỡ ngỡ, e ngại thì nay đã biết đánh chiêng, đấm cồng sao cho thật hay, thật khéo. Tiếng cồng chiêng lại có dịp vang xa hơn trong các lễ hội mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ về nhà mới...
Trong câu chuyện của già Trapát Gróoc với lớp trẻ, bao giờ ông cũng nhớ lại một thời khó khăn khi bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu phải sinh sống trên các triền đồi cao đối mặt với bom đạn của chiến tranh và chống chọi với các loại thú dữ của núi rừng. “Ngày xưa bà con không có Tết, chỉ tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Nay có Đảng, Bác Hồ bà con mới có Tết. Cái Tết chung của cả dân tộc không phân biệt người kinh hay người Cơ Tu”.
Ngồi bên già Trapát Gróoc trong những ngày đầu năm mới, nhìn lên dãy núi mờ xa, nghe điều già nói về dân tộc Cơ Tu với quá vãng ngàn xưa, tôi chợt thấy lòng mình ấm lại trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng.