Bánh nậm
Là một loại bánh và là món ẩm thực truyền thống đặc trưng của xứ Huế, cùng với bánh bèo, bánh lọc. Đây là thứ bánh được làm từ bột gạo vừa ngon vừa có tính chất lành (người già, trẻ em, người ốm đều có thể ăn được). Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.
Bột lọc dẻo trong, nhân tôm thịt đậm đà; bột gạo làm bánh nậm cũng mềm mịn vừa phải, nhân bánh cũng được sử dụng công thức rất đặc biệt nên ăn rồi cảm thấy rất khâm phục về trình độ chế biến món ăn của người xứ Huế.
Bánh ram ít
Ở Huế có một thứ bánh kết hợp hai loại bánh khác nhau, ăn vào vừa giòn vừa dẻo, béo nhưng không ngấy bởi được chấm với thứ nước mắm chua ngọt, đó là bánh ram ít. Tưởng như bánh ram và bánh ít là hai thứ bánh không ăn nhập gì với nhau nhưng qua bàn tay tài hoa của người phụ nữ Huế, bánh ram ít đã trở thành một món ăn dân dã của Huế được du khách gần xa biết tiếng.
Bánh ram ít có hai phần tách bạch rõ ràng: phần bánh ram và phần bánh ít. Tuy cách thức chế biến khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp. Nếp làm bánh phải là thứ nếp ngon, trắng, dẻo. Nếp được xay nhuyễn thành bột, trộn tí muối, cho nước ấm từ từ từng ít một. Dùng tay nhồi bột đến khi tạo thành một khối chắc mịn, mềm nhưng không nhão, nặn thành các viên tròn nhỏ bằng hai ngón tay. Tôm để nguyên con, thịt ba chỉ xắt hạt lựu nêm đường, nước mắm ngon, tiêu, hành tím băm, thêm chút dầu hoặc mỡ nước kho nhỏ lửa trong vòng 15 phút. Xoa ít dầu ăn vào tay, ấn từng viên bột thành hình dẹp, lấy muỗng múc tôm thịt đặt vào giữa rồi vo tròn lại. Xếp bánh ít vào khay, hấp cách thủy khoảng 10 phút sau khi nước sôi.
Bánh có độ dẻo và màu trắng ngần là được. Bánh chín gắp ra để nguội, đậy bằng lá chuối để bánh không bị khô nhưng nhớ không đậy kín kẻo bánh bị chua. Khác với bánh ít, khi nhồi bột bánh ram bớt nước hơn một chút để cho bột bánh hơi cứng. Bánh ram không cần làm nhân, bánh được chiên trên chảo nhiều dầu mỡ đến khi bánh giòn và có màu vàng sậm. Vớt bánh ra để trên lớp giấy thấm cho ráo dầu. Đặt một cái bánh ít lên trên cái bánh ram, dùng đũa dằn cho bánh mỏng ra và ép chặt vào cái bánh ram.
Vả trộn
Vả trộn là món ăn nhà nghèo. Nguyên liệu chính là quả vả, thứ quả xanh rẻ tiền chát phổ biến ở Huế. Vả có thể trộn với thịt heo nạc, tôm luộc, da heo... tùy theo sở thích. Nhưng dù trộn với gì đi nữa cũng không thể thiếu các loại gia vị cơ bản như tiêu, mắm, muối, bột ngọt, ớt bột. Thêm các loại rau thơm và vừng, hành lá, ngò gai, ngò rí, rau răm rửa sạch và thái nhuyễn.
Ăn vả trộn, người ta không cần dùng đũa, chén mà thường bẻ bánh tráng nướng xúc. Vị bùi ngọt và thơm thơm nhẹ nhàng của vả cộng hưởng cùng cái bùi bùi giòn giòn của bánh tráng nướng, thêm chút mắm cay khiến người ăn xúc hoài không ngán. Có thể tìm món này ở khắp các quán bình dân trên đất Huế.
Bánh canh Nam Phổ
Bánh canh Nam Phổ là một trong những món ăn đặc sản của Huế. Nó đặc biệt bởi được nấu bằng bột gạo, nhân tôm. Nhìn tô bún khi lên tô thật tuyệt. Màu trắng của bánh canh chìm xuống cho nhân tôm nổi lên trên mặt tô vàng ươm, rất đẹp mắt. Bánh canh Nam Phổ được lòng thực khách không chỉ bởi vị ngon lạ mà còn do rất lành, thích hợp đối với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em hay người già.
Nếu muốn được thưởng thức món ngon đặc sắc này, các bạn nên ra ngoài vào buổi chiều quanh con đường Phạm Hồng Thái. Hoặc muốn đúng vị hơn thì qua làng Nam Phổ (thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, cách cầu Trường Tiền 3,5km về phía biển Thuận An).
Bánh khoái Huế
Cũng là loại bánh đừng bỏ qua nếu đã đến Huế. Bánh khoái dễ khiến người chưa quen nhầm thành bánh xèo vì có nhiều nét tương đồng. Tuy vậy, bánh khoái nhỏ, dày và ăn giòn hơn bánh xèo. Để làm nên sự khác biệt này là do khâu pha bột với một công thức “độc quyền”, độ lửa khi chiên bánh và pha nước chấm của mỗi quán.
Người xứ Huế vốn nức tiếng cả nước về sự tỉ mỉ và cầu kỳ trong ăn uống. Phải nhìn cách người thợ chiên bánh, canh lửa, đổ bột vào chảo đều tay, trở bánh và canh thời gian cho bánh vừa chín giòn thì mới thật nể phục cái tâm của họ đặt vào món ăn. So với bánh xèo thì bánh khoái Huế có độ cầu kỳ cao hơn. Nhân bánh được làm khá phong phú với tôm, thịt, nấm, chả, hành lá, giá... cùng vài loại gia vị đặc trưng của xứ Huế.
Nem lụi
Nem lụi - một trong những đặc sản lâu đời nhất của đất cố đô, khiến bao khách phương xa phải ngơ ngẩn. Nguyên liệu để làm nên món nem lụi rất đơn giản: thịt heo đã quết nhuyễn trộn với bì, mỡ heo thái hạt lựu ướp cùng muối, tiêu, đường, thính rồi xiên bằng que tre, mía hoặc sả đem nướng vậy mà lại có vị đặc biệt đến thế. Thường, nem lụi được ăn kèm với bánh tráng, rau thơm, khế chua, chuối xanh, sung... dùng chung với nước chấm ngon lành làm từ đậu phộng, được thêm gan heo, thịt heo băm nhuyễn. Hương thơm và vị bùi ngọt của thịt heo nướng kết hợp với rau xanh và nước chấm tạo thành vị đặc trưng của nem lụi Huế, khác tất cả món nem ở các địa phương khác.
Cơm hến
Là món ăn dân giã, mang vị đậm đà đặc trưng. Cơm hến ngon phải thật cay, cay đến nỗi khiến cho người không quen vừa ăn vừa chảy nước mắt nước mũi. Cơm hến không nóng sốt mà chỉ là thứ cơm nguội bình thường nhưng khi kết hợp với mùi ruốc mặn nồng, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ hòa với vị chua thanh của khế, mùi rau thơm dịu, chuối bắp, bạc hà, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... thì thật khiến người ta khó bỏ. Cơm nguội ăn chung với nước hết nóng cho khách cảm giác ấm nồng, đầy thân thiện trên đất cố đô.
Cơm hến có khắp nơi trên đất Huế, từ đường hẻm cho đến đường chính. Nhưng cơm hến ở cồn Hến (thuộc xã Hương Lưu, phường Vỹ Dạ), cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km là ngon nhất.
Bánh bèo
Bánh bèo là một nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Huế. Từ nguyên liệu chính khá đơn giản là bột gạo hấp chín, thứ bánh hiền lành này lại được lòng hết tất cả người thưởng thức nó.
Có lẽ một phần do công của chén nước chấm công phu, hòa quyện mỡ, đường, tỏi, ớt và được nấu từ tôm tươi cho hương vị độc đáo. Nước chấm ấy chan lên bột gạo dẻo, lỏng vừa phải cho thêm tôm đâm nhuyễn, hành lá, tép mỡ, dầu béo bên trên và ăn trong chén nhỏ, chỉ một xúc là hết quả thật ngon lắm. Dạo chơi ở Huế, bất chợt thấy gánh hàng bánh bèo dọc các con đường hoặc quán trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Huệ... hãy ghé vào để cảm nhận hương vị này.
Tré
Tré không phải món ăn cao sang, mà ngược lại, rất bình dân nhưng đặc biệt do sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong khâu chế biến của ẩm thực Huế. Tré Huế ngon nổi tiếng bởi sự kết hợp tinh tế của gia vị với các loại nguyên liệu đặc trưng như riềng, tỏi, thính, lá ổi, mè với độ giòn của thịt thủ lợn. Tré Huế được những bàn tay khéo léo, thuần thục, thái, ướp và gói theo công thức riêng với cách làm truyền thống.
Ăn tré Huế hoàn toàn không sợ bị đau bụng như nem chua vì các nguyên liệu đều đã được làm chín chứ không phải để lên men. Hàng tré ngon nhất Huế ngụ tại phố nem tré đường Đào Duy Từ, trước cửa Đông Ba. Đây là nơi nghề làm nem tré được truyền thừa đã ba thế hệ.
Bún bò Huế
Bún bò ở đây có những viên mọc làm từ giò sống và thịt cua ngọt lành, thơm thảo; có thịt bò được thái lát mỏng vừa, được ướp gia vị trước khi cho vào nồi xáo; có những miếng chuối bắp xắt lát, những cọng rau quế trắng; có những miếng móng giò được ninh mềm nhừ. Tất cả kết hợp với nước lèo cay, béo . Khi ăn, thêm vài cọng giá, rau sống, chút mắm ớt chanh, bạn sẽ thấy vô cùng thú vị với sự thâm trầm của Huế đến trong từng tế bào lưỡi.
Mè xững/mè xửng
Mè xững là đặc trưng của xứ Huế, đến nỗi cứ ai mang quà về là biết ngay người đó chơi Huế. Mè xững ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với dầu phụng và các nguyên liệu khác. Tuy cùng một cái tên mè xững nhưng có nhiều loại khác nhau.
Có loại mè xững dẻo đến mức có thể cuộn tròn hoặc bẻ gập. Có loại giòn với thành phần bột đậu nhiều hơn, đường ít hơn, được bọc ngoài một lớp bánh đa nướng. Có loại mè xững gương, giơ lên ngắm thấy trong suốt như gương. Có loại mè xững đen gồm toàn vừng đen bùi và bổ...
Tôm chua
Tôm chua là sự tổng hòa của sắc màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt... và đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng... Nó cũng là sự hòa quyện giữa cái mát lành của tôm và cay nồng của gia vị. Tất cả tạo nên món ăn hấp dẫn khó cưỡng.
Chỉ chọn những con tôm nước ngọt nhỏ vừa, trộn chung với các nguyên liệu rồi ủ trong vại sành, hoặc chôn xuống đất chờ tôm lên men, giúp nó ngọt và thơm. Tôm chua ăn kèm với thịt luộc, bánh tráng và dưa giá cùng các loại rau sống khác là món ngon khó quên nếu đã từng ăn qua. Vị chua chua cay cay của tôm hòa trong cái ngọt của thịt, chua của khế, chát giòn của quả vả... đem lại cho người ăn cảm giác ngon miệng vô cùng.