Trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính qui củ về hình thức của mỗi triều đại quân chủ. Thậm chí, đối với các nước phương đông, trình độ văn minh của các triều đại còn được đánh giá qua chế độ Y Quan (áo mũ, nghĩa rộng là trang phục) và Lễ Nhạc. Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt chú ý đến điều này. Vì vậy, thường sau khi thành lập triều đại sẽ đều nghiên cứu, xây dựng và thiết lập ngay chế độ Y quan và Lễ nhạc phù hợp. Tương truyền, năm 1407, khi bị nhà Minh bắt và giải qua Kim Lăng (Trung Quốc), Hồ Qúy Ly vẫn tự hào khẳng định: « Y quan Đường chế độ/Lễ nhạc Hán quân thần » (tức Áo mũ như thể chế nhà Đường/Lễ nhạc tương tự nhà Hán, hàm ý nước ta có trình độ văn minh không hề kém các triều đại rực rỡ nhất của Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Phan Thanh Hải - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Trang phục cung đình triều Nguyễn không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Nói cách khác, mỗi bộ trang phục dân tộc được xem là “niềm tự hào” của cả dân tộc đó. Trên phương diện mỹ thuật, mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, quan viên dưới triều Nguyễn đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một minh chứng sinh động, giúp chúng ta có thể hiểu hơn về trình độ tay nghề, khiếu thẩm mỹ của các bậc nghệ nhân xưa. Chế độ Y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của trang phục cung đình triều Nguyễn vô cùng quan trọng, là vấn đề được các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm.
Hy vọng rằng Không gian triển lãm « Chế độ Y quan triều Nguyễn » sẽ mang đến cho quý vị một buổi thưởng lãm ý nghĩa và đầy thú vị, là dịp để công chúng cảm nhận sâu sắc hơn về trang phục cung đình triều Nguyễn, từ đó góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy nét đẹp độc đáo của trang phục cung đình Việt Nam.
Triển lãm “Chế độ Y quan triều Nguyễn” trưng bày và giới thiệu đến công chúng hơn 120 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh, hiện vật đang lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng,…, trong đó có hơn 50 văn bản tài liệu Hán Nôm thuộc khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới lần đầu tiên được công bố.
Nội dung triển lãm được bố cục theo 3 chủ đề:
1.Trang phục hoàng gia
2.Trang phục quan lại, binh lính
3.Trang phục tân khoa