Phát biểu tại Hội thảo quốc tế về Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhấn mạnh "Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn một yếu tố cốt lõi khẳng định vị thế Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của Việt Nam".
Theo đó, Cố đô Huế ngày xưa là nơi đóng đô của triều đại Nguyễn, nơi có hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện để điều hành quốc gia, là biểu tượng ý thức độc lập, tự chủ, sự vững mạnh của nền chính trị thống nhất.
Giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn vừa thể hiện sự kết tinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể qua nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, lễ nghi, ẩm thực,... vừa kết hợp thân thiện với môi trường thiên nhiên và con người xứ Huế, các giá trị đó là nền tảng quan trọng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khẳng định quá trình phát triển đỉnh cao của đất nước trong thời đại ngày nay.
Với những giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn cùng với sự tồn tại của sưu tập công trình kiến trúc thì các sưu tập hiện vật Bảo tàng gắn liền là những giá trị vô cùng to lớn với hơn 10.000 tổng số hiện vật, trong đó có 6 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Cửu đỉnh và Cửu vị thần công, chuông chùa Thiên Mụ, ngai vua triều Nguyễn, áo Tế Giao của vua Nguyễn, bia Khiêm Cung Ký và vạc đồng thời chúa Nguyễn. Một trong những di sản độc đáo của văn hóa cung đình là hệ thống thơ văn trên các kiến trúc cung đình Huế có 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Điển hình nhất là ở khu vực Hoàng Thành: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa có khoảng 256 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 676 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 83 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng...Với các di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và mới đây Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Bên cạnh đó, sự hội tụ và kết tinh của các giá trị di sản văn hóa trên mảnh đất Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình độc đáo như các hoạt động lễ hội phong phú, ẩm thực với nhiều món ăn dân gian, các ngành nghề thủ công truyền thống được hình thành lâu đời; nhiều công trình kiến trúc thành lũy như: Kinh Thành, Hoàng Thành, Tử Cấm Thành, Trấn Bình Đài, Trấn Hải Đài, Hải Vân Quan; nhiều cung điện có nghệ thuật kiến trúc độc đáo: Điện Thái Hòa, Điện Long An (Kinh Thành), Điện Minh Thành (Lăng vua Gia Long), Điện Sùng Ân (Lăng vua Minh Mạng), Điện Biểu Đức (Lăng vua Thiệu Trị), Điện Hòa Khiêm (Lăng vua Tự Đức), Điện Khải Thành (Lăng vua Khải Định)...; hệ thống đền miếu, đền đài, kiến trúc lăng tẩm có giá trị cao; những công trình tôn giáo như chùa, niệm phật đường được xây dựng mang giá trị kiến trúc độc đáo; những công trình văn hóa, kiến trúc phong cảnh, vườn ngự, nhà thủy tạ, hồ ao… các giá trị văn hóa của di sản văn hóa cung đình Huế góp phần tỏa sáng các giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn, khẳng định văn hóa cung đình thời Nguyễn là nền tảng cốt lõi tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Sở hữu hệ thống di sản văn hóa dày đặc, do vương triều phong kiến cuối cùng để lại, có thể nói Huế có một lợi thế phát triển du lịch mà không một địa phương nào có được. Do đó với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn nhằm làm phong phú các giá trị văn hóa Huế - Con người Huế đáp ứng các hoạt động của những sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế và sự phát triển của văn hóa - du lịch, góp phần quan trọng trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế là đô thị di sản văn hóa cảnh quan thân thiện với môi trường. Tiếp tục khẳng định vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.