Theo đó, Quy hoạch sẽ tập trung bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, công trình khảo cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới; các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia và cấp Tỉnh; hiện vật gắn liền các di tích, công trình khảo cổ, đặc biệt là các hiện vật đã được công nhận bảo vật Quốc gia.
Trong đó, tập trung bảo vệ khẩn cấp các di tích, công trình, địa điểm khảo cổ có tính chất, vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình phát triển lịch sử, văn hóa và đời sống xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành phế tích. Thúc đẩy và phát triển hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ đối với di sản văn hóa dưới nước. Hỗ trợ việc cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích, công trình khảo cổ có giá trị lịch sử văn hóa đảm bảo đúng các nguyên tắc.
Về định hướng Quy hoạch, sẽ triển khai xác lập vị trí trên bản đồ khảo cổ; tổ chức khai quật phế tích để nghiên cứu và thu hồi hiện vật (phế tích Chăm pa, di tích thời phong kiến); thực hiện trùng tu, bảo tồn và phục nguyên di tích đối với các di tích khảo cổ ít bị xâm hại hoặc bị xâm hại nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn đảm bảo tiềm năng nghiên cứu lâu dài; tôn tạo và bảo quản tại chỗ.
Tổng kinh phí để triển khai Quy hoạch dự kiến là 21,2 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016-2020 là 9,8 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2030 là 11,4 tỷ đồng; từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.
UBND tỉnh giao trách nhiệm Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan lập kế hoạch cụ thể để triển khai Quy hoạch; hướng dẫn, lồng ghép Quy hoạch với các đề án, dự án về văn hóa - xã hội, kinh tế.