Ca nhạc truyền thống Huế là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất cố đô Huế, bao gồm khoảng trên 80 làn điệu, bài bản của dòng âm nhạc dân gian, âm nhạc thính phòng và một phần Nhã Nhạc cung Huế. Một trong những loại hình âm nhạc mang âm hưởng của nghệ thuật truyền thống Văn hóa Huế được hòa điệu giữa con người, âm nhạc với sông nước và cảnh vật của dòng sông Hương thơ mộng đó là Ca Huế. Đây là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được hình thành và phát triển từ dòng ca nhạc dân gian và nhạc cung đình, nhã nhạc cung đình tồn tại qua các thế kỷ, được gắn kết giữa đời sống văn hóa của người dân xứ Huế với các loại nhạc cụ như: tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam, xen với bầu, sáo và bộ gõ trống Huế,...
Ca Huế trong Đại Nội xưa
Sự phát triển, lan tỏa của Ca Huế qua nhiều thời kỳ lịch sử và trở thành kho tàng quý báu của cả dân tộc. Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Ca Huế vào ngày 8/6/2015, thể hiện sự trân trọng đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa vật thể và phi vật thể.
Thuyền rồng Ca Huế trên sông Hương
Ca Huế được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo cơ hội để tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị, qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, góp phần khẳng định vị thế của Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Đây cùng là cơ sở để hoàn chỉnh các bước xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.