Nghe anh Ta Rương Mão (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) gọi điện báo hỉ, tôi thực sự bất ngờ xen lẫn háo hức. Anh Mão nhã ý mời dự đám cưới con trai không phải vì muốn "mời cỗ" mà anh muốn tôi chứng kiến một đám cưới của người Cơ Tu hiện nay.
"Thông thường đám cưới của người Cơ Tu gồm 3 mâm cỗ chính. Mâm chính giữa dành cho các bậc cao niên, họ hàng nhà trai và nhà gái; mâm bên phải dành cho những người lớn tuổi, bà con trong thôn bản; mâm bên trái dành cho phụ nữ. Ngoài ra, còn có các mâm dành chiêu đãi thanh niên trong làng", anh Mão giới thiệu ngay khi tôi vừa đặt chân đến cổng nhà anh.
Các mâm cỗ được sắp xếp gọn gàng, thủ tục, hình thức cúng bái rườm rà được lược bỏ. Chú rể mặc comple, cô dâu diện váy. Cô dâu được đưa về nhà chồng bằng ô tô. Thoáng qua, đám cưới của người Cơ Tu gần giống người Kinh. Chỉ có điều, thức ăn là những món truyền thống của đồng bào và thức uống là rượu cần, tà vạt. “Bây giờ, Đảng và Nhà nước phát động chương trình xây dựng nông thôn mới, kèm theo đó là xây dựng nếp sống văn minh thôn bản. Do vậy, những hủ tục rườm rà, lạc hậu dần được bãi bỏ”, anh Mão bày tỏ.
Các lễ vật và mâm cỗ nhà trai thết đãi nhà gái
Sau khi chuẩn bị mọi thứ, đại diện của nhà trai và nhà gái tiến đến bàn thờ gia tiên làm nghi lễ để công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Xong phần lễ, nhà trai tiến hành bắt heo để thiết đãi nhà gái và bà con dân bản. Trong số những con heo nhà trai chuẩn bị giết thịt, nhà gái được quyền chọn một con heo để cắt tiết thiết đãi. Cuối cùng, họ hàng hai gia đình ngồi lại trao nhau các lễ vật và dặn dò đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới kết thúc bằng các tiết mục hát, múa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu.
Giống như người Kinh, trước khi tổ chức đám cưới, người Cơ Tu thường tổ chức lễ chạm ngõ (lễ ăn hỏi). Trong lễ chạm ngõ lẫn đám cưới đều diễn ra các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơ Tu như nói lý - hát lý, múa za zã, đánh cồng chiêng.
Đối với đồng bào Cơ Tu, con trâu gắn bó mật thiết với đời sống của họ. Bởi thế, ngày xưa người Cơ Tu thường làm lễ đâm trâu mừng đám cưới để cầu khẩn mùa màng bội thu, buôn làng no đủ, vợ chồng trẻ được sống hạnh phúc, no ấm. Con trai Cơ Tu muốn lấy vợ phải mang đến nhà gái rất nhiều lễ vật, đặc biệt phải có một con trâu để nhà gái làm thịt thiết đãi dân làng. Đám cưới diễn ra như một lễ hội, có khi kéo dài đến cả tuần lễ. Chi phí tổ chức đám cưới lớn có khi bằng cả gia tài của một gia đình.
Nhà trai và nhà gái ngồi lại để dặn dò đôi vợ chồng trẻ
Hiện nay, để tiết kiệm chi phí, người Cơ Tu lấy những động vật 4 chân khác, chủ yếu là heo thay thế cho trâu làm lễ vật. "Khi giết trâu mừng đám cưới phải dựng cây nêu. Làm lễ tại nhà trai xong rồi đến nghi thức đâm trâu. Bây giờ, kinh tế khó khăn nên ai cũng lấy heo thay trâu làm lễ vật. Như đám cưới của con trai, tui mang về cho nhà gái 4 con heo. Dùng heo làm lễ vật thì không cần dựng cây nêu nữa", Ta Rương Mão cho biết.
"Không chỉ tui mà ngày xưa ai lấy vợ cũng phải mang trâu đến nhà gái để làm lễ vật. Gia đình mô nghèo cũng gắng làm việc cật lực để mua được trâu, nếu không có tiền thì phải vay mượn. Vì lễ vật mà có nhiều nhà mắc nợ. Bây giờ, đám cưới thay trâu bằng heo thôi", Hồ Văn A Nưm (40 tuổi, xã Thượng Long) chia sẻ thêm.
Sau cái bắt tay chào tạm biệt anh Mão, trong tôi cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui bởi lẽ đồng bào Cơ Tu đã bỏ được những tập tục lạc hậu, tốn kém trong đám cưới nhưng vẫn lưu giữ được những nét độc đáo về ẩm thực, nói lý - hát lý, cồng chiêng... Buồn là bởi, nếu như họ chọn sắc phục của đồng bào Cơ Tu để mặc trong đám cưới thì sẽ trọn vẹn hơn.