Đầu năm ghé thăm các làng nghề nổi tiếng cả nước
Lượt đọc: 105365Thời gian: 23:05 - 13/02/2016

(VHH) - Làng nghề là một trong những nét đặc trưng riêng biệt của Việt Nam. Phần lớn làng nghề ở nước ta đều có cảnh quan nên thơ, giàu chất trữ tình, với những hình ảnh quen thuộc như cây đa, bến nước, đình, chùa, đền, miếu gắn liền với sinh hoạt văn hóa, lễ hội dân gian, là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước vào dịp đầu năm.

Làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, các thế hệ nối tiếp nhau đã góp công gìn giữ, phát huy và làm nên danh tiếng trong và ngoài nước của một làng nghề. Đầu năm, nhắc tới những làng nghề nổi tiếng khắp cả nước không thể không nhắc tới làng gốm sứ Bát Tràng.

Gốm Bát Tràng là tên gọi chung cho các loại đồ gốm được sản xuất tại làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng (gồm hai thôn Bát Tràng và Giang Cao thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). 

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng tinh xảo, sắc nét với đủ kiểu đủ loại hình: chén, bát, lọ hoa, chậu, lư hương... không bị ngấm nước, không bị nhạt màu theo thời gian. Men Bát Tràng độc đáo, tinh tế với những bí quyết gia truyền làm nên nét đặc trưng riêng cho sản phẩm gốm sứ của làng.

Làng nón Chuông (Hà Nội)

Làng nón Chuông thuộc xã Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà món quà du khách nước ngoài mang về tặng bạn thường là nón lá. Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhân hậu đã gắn liền với nón lá, áo dài.

Ngày trước người Việt đội nón để che mưa nắng. Nón có khung tre, lợp bằng lá. Cả làng Chuông nhà nào cũng làm được nón. Nguyên liệu gồm lá nón, tre nứa làm khung, sợi mây móc và nay là sợi chỉ công nghiệp. Chỉ cần một cây dao để pha tre pha nứa, vót thành nan, uốn thành vòng, một cái khuôn đặt các vòng (từ to đến nhỏ) rồi các lớp lá nón, cây kim, sợi chỉ.

Cốm Làng Vòng (Hà Nội)

Không biết tự bao giờ, cốm làng Vòng đã quyện hoà với sắc thu Hà Nội để trở thành nỗi nhớ của người Hà Nội lúc đi xa. Bức tranh thu Hà Nội sẽ hẫng hụt, trống vắng nếu thiếu đi một nhúm nếp xanh bọc trong lá sen quấn sợi rơm non. Cốm làng Vòng chính là món đặc sản của Hà Nội khiến người đi xa thấy nhớ nhung nhất.

Làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)

Từ ngã tư Đông Côi rẽ sang trái về phía Bắc Ninh, tới bến đò làng ở trên bờ nam sông Đuống có làng Đông Hồ, tức làng Mai. Đây là làng nghệ thuật cổ, còn gọi là làng tranh Đông Hồ vốn được những người sành về mỹ thuật trong, ngoài nước hâm mộ. 

Tranh Đông Hồ có nhiều loại: tranh thờ cúng, tranh mô phỏng các tình tiết trong  truyện cổ, tranh các danh nhân lịch sử. tranh chúc tụng bình an, hạnh phúc... Trong đó có nhiều bức tranh được đánh giá cao như: Tranh gà, tranh lợn ăn lá ráy, tranh lợn mẹ và đàn con, tranh đánh vật, tranh đánh ghen, tranh hứng dừa, tranh thầy đồ cóc, tranh đám cưới chuột... 

Làng chiếu Cói Nga Sơn (Thanh Hóa)

Nga Sơn là một huyện nằm sát biển, về phía Bắc của tỉnh Thanh Hoá. Nghề trồng cói và dệt chiếu ở đây đã có trên 150 năm. Với bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công, các sản phẩm chiếu cói, thảm cói, đồ thủ công mỹ nghệ như: làn, dép, đĩa, giỏ trang trí...bằng cói đã không chỉ làm vừa lòng khách trong tỉnh, trong nước mà khách nước ngoài cũng rất ưa chuộng.

Không chỉ sản xuất giỏi, người dân nơi đây còn là những hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình. Họ sẵn sàng đưa du khách đến thăm quan vùng quê ngút ngàn cói mà tương lai không xa, việc phát triển ngành nghề truyền thống chiếu cói sẽ gắn liền với việc phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái. 

Tranh làng Sình (Huế)

Làng Sình nằm ven sông Hương, đối diện bên kia sông là Thanh Hà, một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Ðàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh, một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế.

 Ðiểm nỗi bật ở tranh làng Sình là đường nét và bố cục còn mang tính thô sơ chất phác một cách hồn nhiên. Nhưng nét độc đáo của nó là ở chỗ tô màu. Khi đó nghệ nhân mới được thả mình theo sự tưởng tượng tự nhiên. Cố họa sĩ Phạm Ðăng Trí, người họa sĩ tài hoa của đất thần kinh xưa, đã tìm thấy trong tranh Sình bảng màu "ngũ sắc Huế".

Làng đá non nước (Đà Nẵng)

Nếu đến Ngũ Hành Sơn mà không ghé thăm làng mỹ nghệ non nước thì chắc chắn bạn sẽ hối tiếc. Bởi đó là một nơi làm ra đồ mỹ nghệ bằng đá đá hoa nổi danh khắp nước và cả nước ngoài. 

Làng được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên Huỳnh Bá Quát khai phá. Nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở núi Ngũ Hành Sơn, loại đá có nhiều vân ngũ sắc, vẻ đẹp cao sang, là mặt hàng được ưa chuộng trong xây dựng và kiến trúc

Làng nghề thuyền thúng (Phú Yên)

Thúng chai của Phú Yên có điểm đặc biệt là chỉ sử dụng nguyên liệu của địa phương. Theo người dân làng nghề, cây tre trồng trên đất phú yên có đặc điểm chịu nước tốt, dẻo dai và có nguồn dầu rái rất chất lượng khi trét thúng nên thúng giữ được độ bền rất lâu. Gần đây mọi người phấn khởi khi thúng chai bất ngờ chu du xuất ngoại từ Á sang Âu.

Làng nghề muối Tuyết Diêm (Phú Yên)

Làng muối Tuyết Diêm ở Phú Yên có 3 làng nghề sản xuất muối có truyền thống hơn 300 năm đó là Trung Trinh, Lệ Uyên, Tuyết Diêm (huyện Sông Cầu). Muối Tuyết Diêm ngày trước còn được người dân buôn muối gọi là muối Cù Mông. Gọi là muối Cù Mông vì ngày xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc vào đây mua muối đều nhắm hướng chân đèo Cù Mông mà đến. Những hạt muối trắng tinh đã tạo ra cái tên rất đẹp của làng này. Hình thành từ năm 1870, đến nay đồng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, Sông Cầu, Phú Yên đã 138 tuổi. 

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ)

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng là một trong 4 làng nghề lâu đời nhất ở Cần Thơ và vẫn duy trì hoạt động, sẵn sàng chào đón du khách "quá bộ" đến tham quan. Đây cũng là những điểm tham quan khá ý nghĩa để du khách hiểu hơn về nghề truyền thống, cũng như nét đẹp bình dị của địa phương khá đặc trưng.

Theo Hải Đăng (Time Out Vietnam)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày