Miếu Tiên Y (Tiên Y miếu) được xây dựng dưới triều Nguyễn vào thời Vua Gia Long ở phường Dưỡng Sinh, đến năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Miếu được dời về bên tả của Chùa Thiên Mụ. Năm 1849 - 1850, để mở rộng quy mô và định lại thể thức tế tự, Vua Tự Đức ban dụ xây miếu mới ở phường Thường Dũ (nay là khu vực Lương y, phường Thuận Lộc, thành phố Huế). Miếu là nơi thờ phục các vị thánh y, danh y tiền bối của nền y học cổ Đông phương và Việt Nam. Tiên Y miếu thuộc hạng Quốc miếu, được sắc phong "Hoàng triều sắc tứ Đông y thượng đẳng Lương y đệ Nhất tôn thần" và do triều đình quản lý; định lễ mỗi năm tế lễ vào hai kỳ Xuân, Đông do một quan cấp Tam phẩm vâng mệnh Vua phụng tế và quan Viện sứ, Ngự y chầu trực các án.
Đ/c TB Tuyên giáo Tỉnh ủy và đ/c GĐ Sở VHTTD trao bằng công nhận di tích cho Hội Đông y
Tiên Y miếu không chỉ góp phần làm phong phú diện mạo Kinh thành Phú Xuân mà còn là cứ liệu quan trọng giúp tìm hiểu chính sách trị quốc của triều Nguyễn đối với nền y học dân tộc. Đây là ngôi nhà thờ Tổ quan trọng nhất của ngành Đông y nước ta dưới thời Nguyễn, là một cơ sở để khẳng định, ghi công và tôn vinh các bậc Thánh y, danh y tiền bối hữu công đã làm rạng rỡ truyền thống y đức, y thuật cao đẹp của nghề thầy thuốc, đồng thời là nơi thể hiện tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân sư tổ của các thế hệ lương y Việt Nam.
Đ/c GĐ Sở VHTTDL dâng hương tại Miếu Tiên Y
Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó; ngày 26/11/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số: 2739/QĐ-UBND xếp hạng di tích Miếu Tiên y là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thái Sơn - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Tiến sĩ Phan Tiến Dũng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thay mặt lãnh đạo tỉnh đã trao bằng công nhận xếp hạng di tích Miếu Tiên y cho Hội Đông y tỉnh. Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thái Sơn - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Miếu Tiên y là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng, là niềm vinh dự của Hội Đông y Thừa Thiên Huế. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có hiệu quả, đồng chí đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và lãnh đạo Hội Đông y cần tăng cường, nâng cao hiệu quả của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản; thực hiện nghiêm Luật Di sản Văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành để bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được công nhận.