Văn hóa dân tộc Tà Ôi qua cái nhìn của một nữ sinh
Lượt đọc: 87447Thời gian: 15:30 - 04/03/2016

(VHH) - Đang học lớp 12 Trường trung học phổ thông A Lưới, Hồ Khánh Huyền, cô gái nhỏ người Tà Ôi ước mơ quảng bá văn hóa dân tộc mình bằng hình thức du lịch.

Với Huyền, A Lưới có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sông suối, núi rừng, các di tích lịch sử và các giá trị văn hóa cũng như tính hiếu khách của người dân A Lưới đều có thể là nguồn tài nguyên vô  giá cho du lịch.

Hiện nay, A Lưới là một điểm đến được nhiều du khách chú ý bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc gắn với nét  đẹp văn hóa cộng đồng của người Tà Ôi, nhưng A Lưới vẫn là vùng đất nhiều tiềm năng chưa được khai thác.  Đó là lý do Khánh Huyền chọn đề tài "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Tà Ôi hướng đến phát triển du lịch về nguồn" để tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2015-2016. Đề tài giúp em đạt giải nhì lĩnh vực và giải ba toàn cuộc cấp tỉnh.

Cảnh sắc nên thơ

Sống tập trung chủ yếu tại 5 xã biên giới giáp Lào là A Ngo, Hồng Thái, Nhâm, A Roàng và A Đớt, người Tà Ôi có một nền văn hoá mang dấu ấn riêng biệt. Trong đề tài của mình, Khánh Huyền quan tâm đến kiến trúc nhà ở, văn hoá dân gian, ẩm thực... Huyền miêu tả: Nhà ở của người Tà Ôi xưa chủ yếu là nhà dài và nhà rông. Ngày nay, người Tà Ôi chỉ sử dụng nhà rông vào các dịp lễ hội quan trọng. Văn học dân gian, lễ hội của người Tà Ôi được giới thiệu cũng rất đa dạng với các làn điệu dân ca như Cha Chấp, A-tê-ra-vinh; các điệu múa dân gian như điệu Phon, điệu Ri răm, Ra yook; lễ hội đâm trâu, lễ hội Aza và lễ hội A riêu piing... là những nghi thức để cám ơn tổ tiên thần linh đã ban cho người dân cuộc sống tốt đẹp, mùa màng bội thu, con cái sống vui vẻ, hòa thuận, cần phục dựng.

Làng mạc yên bình

Không chỉ lễ hội mà về phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực của người Tà Ôi cũng đa dạng, phong phú. Một nét đẹp của người dân tộc Tà Ôi là tiếp khách và cưới hỏi. Trang phục của người Tà Ôi chủ yếu là thổ cẩm với sản phẩm là những tấm dzèng do phụ nữ Tà Ôi dệt. Năm 2015, sản phẩm thổ cẩm của người Tà Ôi được tham dự hội thảo tại Nhật Bản và được trình diễn trong bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh với những nét cách tân hiện đại. Bánh A quát, bánh Pi lạc, Hoor âng co, âr rong... cũng là những món ngon thu hút được du khách. Theo Khánh Huyền, từ những nét đặc trưng trên đã làm nên nét văn hóa rất riêng của người Tà Ôi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Huyền mong muốn lập website "vanhoaALuoi.com", cẩm nang du lịch để có thể quảng bá về văn hóa Tà Ôi phục vụ du khách và xây dựng mô hình du lịch văn hóa (homestay và trekking).

Đặc sản tươi ngon

Qua công trình, Khánh Huyền mong muốn có thể giới thiệu được đến du khách muốn khám phá vùng đất A Lưới từ nơi cư trú, kiến trúc nhà ở đến ngôn ngữ - văn học dân gian, lễ hội, phong tục tập quán, trang phục cũng như ẩm thực của người Tà Ôi. Khánh Huyền tâm sự: "Quá trình thực hiện đề tài, em thấy văn hóa dân tộc Tà Ôi ở A Lưới có những nét đặc sắc, hấp dẫn riêng. Huyện A Lưới còn là nơi hội tụ nhiều cảnh quan đẹp do thiên nhiên ban tặng. Em nghĩ, nếu được quan tâm nhiều hơn và được khai thác, phát huy đúng cách, phát triển thành dự án thì du lịch về nguồn như công trình của em đề cập sẽ đem lại nguồn lợi lâu dài cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới nói chung và bà con dân tộc Tà Ôi nói riêng".

Theo Uyên Châu (TTH) - Ảnh:thegioiphuot
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày