Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, năm 2015, thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh đạt 5.218 tỷ đồng, vượt 19% với dự toán Trung ương giao và 7% so dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 11% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước đạt 7.183 tỷ đồng, bằng 101% dự toán. Cùng với nguồn lực Trung ương, tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương đảm bảo chi cho nhiệm vụ đột xuất, cấp bách để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng KT-XH quan trọng, tập trung nguồn lực chỉnh trang đô thị Huế và phát triển hạ tầng các huyện, thị xã.
Năm 2016, HĐND tỉnh giao thu ngân sách nhà nước là 5.629 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015, trong đó thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 4.984 tỷ đồng; thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 275 tỷ đồng; thu để lại cân đối chi qua NSNN 370 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2016 giao 7.962 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 2.138 tỷ đồng, chi thường xuyên 5.089,4 tỷ đồng.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiến nghị Bộ Tài chính cho phép tỉnh được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển thực hiện các dự án thuộc Đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di tích cố đô Huế; ủng hộ bổ sung loại hình hoạt động casino cho dự án Laguna Lăng Cô; quan tâm để lại cho địa phương nguồn tăng thu ngân sách năm 2015; hỗ trợ vốn cấp bách từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương thực hiện thi công hệ thống thủy lợi Ninh Hòa Đại, huyện Quảng Điền; mở rộng đối tượng được phân bổ vốn thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nông thôn, đầu tư làng nghề và hạ tầng thủy sản.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao công tác điều hành ngân sách nhà nước của tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước liên tục tăng ổn định trong những năm qua. Bộ trưởng cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức chung của Thừa Thiên Huế trong huy động nguồn lực đầu tư các chương trình dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là nguồn vốn thực hiện bảo tồn di tích Huế.
Bộ trưởng ủng hộ phương án tăng nguồn vốn Trung ương để thực hiện Đề án quy hoạch bảo tồn và phát huy các giái trị di tích cố đô Huế và phương án vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển để thực hiện đề án này, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng phương án cụ thể vay vốn này.
Về đề nghị bổ sung xuất loại hình hoạt động casino cho dự án Laguna Lăng Cô tại Thừa Thiên Huế, Bộ Tài chính ủng hộ và sẽ đề xuất Chính phủ bổ sung loại hình hoạt động casino cho dự án Laguna Lăng Cô.
Được biết dự án Laguna Lăng Cô được bao quanh bởi bờ biển dài 3 km, trong đó khu nghỉ dưỡng rộng 280 ha nằm gần vịnh Lăng Cô, thuộc khu vực cảng Chân Mây, tiếp giáp với những khu di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận như cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
Dự án bao gồm khu nghỉ dưỡng và dịch vụ spa mang thương hiệu Banyan Tree và Angsana, sân golf 18 lỗ với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 200 triệu USD, được đầu tư bởi quỹ Banyan Tree Indochina Hospitality, quỹ bất động sản đầu tiên của tập đoàn Banyan Tree.
Bên cạnh đó, Laguna Lăng Cô còn có các biệt thự riêng biệt và khu dân cư cao cấp, trung tâm hội nghị và hàng loạt các hoạt động giải trí cho khách hàng ở mọi lứa tuổi.
Laguna Lăng Cô là bước đột phá đầu tiên của Banyan Tree tại thị trường trong nước, mô phỏng nhiều nét đặc trưng của Laguna Phuket, khu nghỉ dưỡng phức hợp hàng đầu của Tập đoàn tại miền Nam Thái Lan.
Dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô đã được Tập đoàn Banyan Tree chính thức làm lễ khai trương vào ngày 27/4/2013. Hiện Laguna Lăng Cô là một trong những khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp quốc tế lớn nhất tại Việt Nam.