Theo lời kể của nhạc sĩ Minh Phương, nguyên cán bộ Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, thì vào chiều 26 tháng 3 năm 1975, ông có mặt tại cơ quan. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã vui vẻ kéo ông vào phòng khách và hỏi nhỏ:
- Sao rồi? Em chuẩn bị đầy đủ chứ?
- Đầy đủ đúng như các điều anh đã dặn trong thư. Nhưng bài hát về Huế thì chưa được vừa ý lắm. Bài Tiến về thành Huế của anh từ năm 69 cũ quá! Còn bài Chào Huế giải phóng của em nói thật chưa hay! Khô lắm!
Nhạc sĩ Minh Phương đã trả lời nhạc sĩ Trần Hoàn như thế và ông đề nghị nhạc sĩ sáng tác gấp một bài để kịp phổ biến cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở trong không khí những giải phóng sôi động lúc bấy giờ ở Thừa Thiên Huế.
Tối hôm đó, nhạc sĩ Minh Phương đã ngồi rà soát lại các băng cassette những ca khúc cách mạng, những tập ca khúc cần phổ biến để hôm sau đi mở lớp tập huấn cho cơ sở.
Đang trằn trọc không tài nào ngủ được thì nhạc sĩ Trần Hoàn gọi nhạc sĩ Minh Phương trở dậy để nghe ca khúc mà nhạc sĩ Trần Hoàn vừa sáng tác: "Anh vừa viết xong cả đêm! Em xem thế nào? Sao? Em cũng không ngủ được à?" - Nhạc sĩ Trần Hoàn nói.
Kỳ đài Huế (Ảnh: Huetourism)
Cầm trên tay bản thảo "Nắng tháng ba" dòng chữ đỏ chói tươi roi rói mà trong lòng ông vô cùng xúc động. Nhạc sĩ Trần Hoàn bấm mấy nốt nhạc lấy giọng và cả hai người cùng hát say sưa.
“Nắng lên rồi cơn nắng tháng ba
Thắm đỏ lưng trời
Nắng tháng ba Tràng Tiền rực chiếu hương nắng sáng Đông Ba
Nắng vờn bay trên phố phường Huế đẹp, Huế đẹp, Huế yêu
Cách biệt đã lâu
Đường phố dậy vang ngàn lời ca giải phóng
Và ánh mắt người yêu đẹp tựa mùa xuân
Trời Huế từ nay ôi thắm đẹp lạ lùng
Từ ấy lòng ta cũng hẹn nhau về Huế giết giặc kia..."
Bài hát có tiết tấu nhanh, tươi trẻ, giai điệu mượt mà, phản ánh không khí đường phố Huế, cầu Trường Tiền, chợ Đông Ba,... với ánh nắng chan hoa, niềm vui tràn ngập khắp phố phường.
Nghe xong bài hát, hai người cùng trao đổi, thảo luận, sửa chữa một số câu từ của bài hát. Đến gần sáng, ca khúc tạm thời hoàn chỉnh (chỉ có một lời ca); theo chân nhạc sĩ Minh Phương để phổ biến tại các lớp tập huấn phong trào văn hóa, văn nghệ cho cán bộ văn hóa cơ sở. Và từ đó, bài hát "Nắng tháng ba" trở nên quen thuộc và đi vào tâm khảm của mọi người.