"Lấp lánh ánh đèn, rộn ràng những con đường tấp nập người qua lại vô cùng náo nhiệt - hãy cùng chúng tôi điểm lại những dịp lễ tết thú vị của Việt Nam", đó là lời mở đầu trong bài viết của tạp chí Wanderlust nổi tiếng, Anh.
Và đây là 7 lễ hội Việt Nam được Wanderlust mô tả gửi tới bạn đọc.
1. Hội Chử Đồng Tử
Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 10-12/3, được đặt tên theo một trong bốn vị "tứ bất tử" của Việt Nam, lễ hội diễn ra tại đền thờ Chử Đồng Tử ở xã Dạ Hoa và Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Một cuộc trình diễn du thuyền trên sông và làm lễ lấy nước ở giữa sông Hồng. Kết thúc việc lấy nước đoàn rước lên bờ và rước nước về đền.
Khoảng 11h30 đoàn rước nước về tới đền vừa kịp giờ khai hội. Sau khi kiệu rước nước được đưa vào an vị trong đền, các kiệu rước thánh an vị tại sân đền, đội hình ổn định, các đại biểu đến dự đầy đủ. Đoàn rồng tiến qua Cầu Tiên vào cửa đền cúi lạy thánh sau đó lui ra, đoàn múa sinh tiền, múa nón biểu diễn trên cầu.
2. Festival Huế
Festival Huế là sự kiện diễn ra hai năm một lần nhằm tưởng nhớ về những giá trị truyền thống tại cố đô. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, ngâm thơ, các buổi trưng bày đầy màu sắc, hòa nhạc, chơi trống và xem các bộ phim lịch sử.
Festival Huế 2016 tổ chức từ ngày 29/4-4/5.
3. Lễ hội chùa Thầy
Tổ chức từ ngày 11-13/4, đây là lễ hội để tưởng nhớ về nhà sư Từ Đạo Hạnh ở huyện Quốc Oai, Hà Nội với những màn múa rối nước độc đáo và những đoàn tăng lữ tuần hành của các nhà sư chùa Thầy.
Trong suốt cuộc đời mình, nhà sư Từ Đạo Hạnh đã hết mình hành y, tích đức giúp nhân dân trong vùng. Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở:
4. Tết Trung thu
Đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất để thể hiện tình cảm gia đình tại Việt Nam. Các bậc cha mẹ bù đắp cho con cái sau những ngày mùa bận bịu. Ngày nay vào dịp này, trẻ em sẽ được nhận quà, còn người nông dân mừng một mùa vụ bội thu.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, những người lớn bày cỗ cho trẻ em để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa.
5. Ngày đất nước thống nhất
Đây là dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc thống nhất (30/4/1975).
Vào ngày này, có rất nhiều lễ hội được tổ chức khắp Việt Nam. Các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM được trang hoàng với các biểu ngữ, cờ quạt, đèn đường sặc sỡ.
Vì đây là ngày nghỉ lễ chung, rất nhiều người cũng tranh thủ về thăm gia đình.
6. Lễ Vu lan
Lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng 7 hàng năm. Ngày lễ Vu van mở ra mùa báo ân, báo hiếu.Báo hiếu với cha mẹ không chỉ ở kiếp này mà còn ở nhiều kiếp khác bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng nghiệp báo luân hồi.
Báo hiếu chính là sự biểu hiện phẩm hạnh đạo đứa của mỗi con người. Trong xã hội luôn có sự tồn tại của hoạt động mang ý nghĩa trái ngược nhau nhưng có sự gắn bó chặt chẽ với nhau đó là làm ơn và báo ơn.
7. Lễ hội đèn lồng Hội An
Phố cổ Hội An nổi danh với các kiến trúc cổ kính, đôi bờ sông náo nhiệt, là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hàng tháng, vào những ngày trăng tròn, ánh đèn điện sẽ được tắt đi, xe cộ không được phép qua lại trên nhiều đoạn đường, nhường chỗ cho hàng nghìn ánh đèn lồng lung linh tỏa sáng.
Hòa cùng bầu không khí lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực phong phú và âm nhạc du dương. Tuyệt vời nhất là lễ hội này tổ chức suốt năm, vào ngày rằm.