Sáng 4/3, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko đến Đại nội Huế. Nhiều người dân chờ đón bên đường 23/8 và Đoàn Thị Điểm, trong số này có rất nhiều người Nhật Bản công tác tại Huế.
Nhà vua và Hoàng hậu bắt đầu thăm Đại nội Huế vào khoảng hơn 10h. Nhà vua và Hoàng hậu được đón tiếp ngay tại cổng Ngọ Môn với nghi thức cao nhất, gồm lính mang lọng, trong tiếng lễ nhạc.
Nhà vua và Hoàng hậu tham quan Đại nội trong tiếng lễ nhạc của đội nhã nhạc cung đình.
Nhà vua và Hoàng hậu nghe giới thiệu về Đại nội Huế. Đây là hoàng cung triều Nguyễn từ năm 1802 đến 1945, vương triều phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Nhà vua và Hoàng hậu sau đó thăm điện Thái Hoà, nơi vua triều Nguyễn thiết triều.
Từ năm 1992, Quỹ Uỷ thác Nhật Bản, thông qua UNESCO, đã hỗ trợ bảo tồn, trùng tu di tích Ngọ Môn và đào tạo nhân lực cho công tác bảo tồn di sản tại Huế.
Nhà vua và Hoàng hậu sau đó đi xe điện đến nhà hát Duyệt Thị Đường bên trong Đại nội. Tại đây, Nhà vua và Hoàng hậu thưởng thức ba tiết mục gồm múa lân, múa lục cúng hoa đăng và nhã nhạc cung đình Huế.
Ông Hatsuhisa Takashima, Thư ký báo chí của Nhà vua, cho biết Nhà vua và Hoàng hậu rất quan tâm đến nhã nhạc cung đình Huế vì "nhã nhạc cung đình Huế và nhã nhạc cung đình Nhật Bản Gagakus được cho có cùng nguồn gốc với nhau".
Khuôn viên Đại nội rộng lớn, gồm nhiều công trình kiến trúc như Ngọ Môn, điện Thái Hoà, nhà hát cung đình Duyệt Thị Đường... nên đoàn công tác của Nhà vua và Hoàng hậu di chuyển bằng xe điện.
Du khách nước ngoài thường đến tham quan thủ đô Tokyo và cố đô Kyoto để tìm hiểu lịch sử hình thành và văn hóa của Nhật Bản. Vì vậy, Nhà vua và Hoàng hậu thăm thủ đô Hà Nội và cố đô Huế để tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử và hình thành phát triển của Việt Nam, ông Takashima cho biết.
Nhà vua và Hoàng hậu kết thúc chuyến thăm tại Đại nội, kéo dài hơn một giờ.
Tại Huế, Nhà vua và Hoàng hậu còn gặp gỡ các tình nguyện viên của tổ chức JICA và cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam trước khi rời đi Bangkok, Thái Lan, ngày 5/3 để viếng Quốc vương Bhumibol Adulyadej, qua đời năm 2016.