Hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập hoạt động ở Cố đô Huế
Lượt đọc: 22382Thời gian: 23:40 - 12/09/2021

(VTH) - Sau khi tỉnh Thừa Thiên-Huế thống nhất thông qua chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập (bảo tàng tư nhân), thời gian qua, một số bảo tàng tư nhân ở Cố đô Huế đã được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình hoạt động…

Tỉnh Thừa Thiên-Huế có 5 bảo tàng công lập, gồm Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế (vừa giải thể). Ngoài ra có 2 bảo tàng ngoài công lập là Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thành lập năm 2012 tại số 114 Mai Thúc Loan, TP Huế và Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ Huế thành lập cuối năm 2016, tại số 1 Phạm Hồng Thái, TP Huế.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các bảo tàng ngoài công lập ra đời đã hình thành tư duy mới trong cách thức trưng bày, sưu tầm, thuyết minh, quảng bá, tổ chức dịch vụ, góp phần làm đa dạng hóa không gian trưng bày, thu hút du khách tham quan. Ví như sự ra đời của Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ Huế đã tạo nên điểm nhấn du lịch độc đáo ở trung tâm TP Huế, góp phần gắn kết không gian văn hóa dọc bờ Nam sông Hương với công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Sông Hương.

Hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập hoạt động ở Cố đô Huế - Ảnh 1.

Bảo tàng Nghệ thuật Thêu XQ Huế là bảo tàng ngoài công lập thu hút du khách với các tác phẩm tranh thêu độc đáo.

Tương tự, với mong muốn gìn giữ cổ vật của Huế, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã sưu tầm rất nhiều cổ vật và thành lập Bảo tàng tư nhân nhằm mục đích giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập cổ vật độc đáo “có một không hai”. Hiện Bảo tàng tư nhân này đang trưng bày 4 bộ sưu tập chính gồm đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; vật phẩm phục vụ 4 thú vui trà, rượu, trầu, thuốc của người Việt; đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ 18 và đồ sứ châu Âu, Nhật Bản...

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, công việc bảo quản, quản lý tại Bảo tàng tương đối ổn định do có cán bộ chuyên môn về bảo tàng phụ trách nhưng giá trị cổ vật chưa thể phát huy đúng tầm để giới thiệu với khách tham quan vì không gian trưng bày, vị trí bảo tàng không được thuận lợi.

Từ năm 2018, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo ngành VH&TT chủ trì xây dựng đề án “Chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế”. Đến tháng 12/2020, chính sách này chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII. Theo đó, các chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

Việc hỗ trợ phát triển các bảo tàng ngoài công lập được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế. Và nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời này nên các bảo tàng ngoài công lập ở xứ Huế được “đứng vững” và có cơ hội phát triển hơn.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay, qua khảo sát, tại địa bàn tỉnh hiện có gần 20 nhà sưu tầm đang lưu giữ nhiều bộ cổ vật độc đáo và có khả năng sẽ thành lập hoặc phối hợp với các cá nhân, đơn vị khác để thành lập bảo tàng ngoài công lập. Dự kiến trong 10 năm tới, từ 2021 đến 2030 sẽ có khoảng 5 đến 7 bảo tàng ngoài công lập ra đời tại Huế. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hệ thống trưng bày tại vùng đất giàu tiềm năng về di sản văn hóa như Huế. Trước mắt, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang kêu gọi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng 2 bảo tàng ngoài công lập phù hợp với các đề án và định hướng phát triển của tỉnh là Bảo tàng Ẩm thực và Bảo tàng Áo dài.

Cũng theo ông Hải, thực hiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Thừa Thiên-Huế chính là việc làm thiết thực, cụ thể để làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội.

Còn chủ nhân các bảo tàng ngoài công lập cho hay, đến nay, gần như tất cả các bảo tàng tư nhân ở Việt Nam và trên thế giới không thể tự sống dựa vào nguồn bán vé tham quan, mà phải có khai thác dịch vụ đi kèm. Chính vì vậy, ngoài hỗ trợ việc thuê đất, thuê mặt bằng thì các cơ quan chức năng cần có thêm các chính sách và biện pháp về hỗ trợ quy hoạch cho nhà đầu tư để thuận lợi hơn trong việc kết nối các tour tuyến, đón du khách và khai thác dịch vụ.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cũng cần được cụ thể hóa thành các thủ tục hành chính kèm theo các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho ngành Văn hóa chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu để sớm triển khai trong thời gian tới.

Theo Báo Công An Nhân Dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày