PV: Sau 22 năm, Liên hoan phim Việt Nam trở lại với Huế, xin ông thông tin chung về Liên hoan phim lần này?
Ts. Phan Thanh Hải: Liên hoan Phim Việt Nam (LHP) lần thứ XXII theo kế hoạch ban đầu sẽ được tổ chức vào tháng 9, sớm hơn mọi kỳ LHP khoảng 2 tháng bởi thời tiết đặc thù ở Huế. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức LHP đã quyết định lùi thời gian tổ chức vào khoảng thời gian từ 18/11 đến 20/11/2021 - Thời gian này cũng chính là khung thời gian tổ chức Liên hoan Phim của các kỳ trước, nhưng rút gọn chỉ còn 3 ngày. Đây là một quyết định kịp thời nhằm đảm bảo cho Liên hoan Phim được tổ chức đạt hiệu quả tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn rất phức tạp hiện nay. Thừa Thiên Huế với đặc điểm địa lý nằm ở khu vực duyên hải Bắc miền Trung, chịu trực tiếp ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, cùng với đèo Hải Vân án ngữ ở phía Nam đã khiến Huế thường xảy ra mưa lớn trên diện rộng vào khoảng tháng 10, tháng 11 hằng năm. Để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, Ban tổ chức LHP đã có tính toán sơ bộ để tổ chức các hoạt động theo hướng tinh gọn, tập trung, không dàn trải theo hướng tổ chức các hoạt động trong nhà, đồng thời cũng tính đến việc tổ chức một số hoạt động ngoài trời với quy mô vừa phải để khai thác triệt để những lợi ích có được từ Liên hoan nếu thời điểm đó thời tiết cho phép.
Lần thứ 2 sau 22 năm Liên hoan phim được tổ chức tại Huế
Kể từ năm 1970, Liên hoan Phim lần thứ I được tổ chức tại Hà Nội, sau gần 30 năm (1999) thành phố Huế lần đầu tiên được vinh dự chọn là nơi đăng cai tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII và Liên hoan đã được tổ chức rất thành công. Có thể nói, đây là một sự kiện lớn cấp quốc gia, có tầm ảnh hưởng và được giới truyền thông trong nước và quốc tế rất quan tâm. Sau 22 năm chờ đợi, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII quay trở lại sẽ là cơ hội để Thừa Thiên Huế quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp quê hương và con người cố đô, vì vậy các cấp, các ngành đang quyết tâm, tích cực, nỗ lực chuẩn bị các công việc có liên quan để đảm bảo Liên hoan Phim được tổ chức thành công nhất. Bên cạnh chính quyền, người dân Huế cũng rất háo hức chờ đợi để được xem, cảm nhận và thưởng thức những thước phim mới nhất, hay nhất, đình đám nhất của Điện ảnh Việt Nam; đồng thời là cơ hội hiếm có để cộng đồng nhân dân Huế gặp gỡ những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Việt Nam. Đây còn là dịp để Thừa Thiên Huế giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người đến với công chúng và bạn bè trong nước, quốc tế; tạo cơ hội để các nhà làm phim khám phá, tìm kiếm ý tưởng sản xuất phim về vùng đất con người Thừa Thiên Huế.
PV: LHPVN lần thứ XXII diễn ra trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh covid. Vậy BTC đã có những kịch bản, phương án cụ thể gì để có thể tổ chức LHP một cách thành công?
Ts. Phan Thanh Hải: Với sự chỉ đạo, làm việc hết sức trách nhiệm, khoa học và kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhân dân Thừa Thiên Huế nên cơ bản tình hình ở Huế đến nay vẫn khá an toàn. Trong bối cảnh của tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, Thừa Thiên Huế vẫn quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ trong việc “vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh”; đồng thời đảm bảo không gian, vùng an toàn cho việc tổ chức LHP.
Trước mắt, địa phương sẽ tổ chức thực hiện tốt mọi chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid 19 và tùy vào tình hình thực tế để có phương án và giải pháp phù hợp. Bên cạnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh, Thừa Thiên Huế đã triển khai tiêm vaccine đầy đủ cho các đối tượng phòng chống dịch và làm việc trong các lĩnh vực giao dịch, dịch vụ cộng đồng, và đang nỗ lực hướng tới tiêm phủ vaccine đầy đủ cho toàn bộ cộng đồng Nhân dân. Trong trường hợp tình hình diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các phương án kiểm soát chặt chẽ đầu vào. BTC đã quy định rõ, đại biểu tham dự phải tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine, trong đó mũi thứ 2 phải tiêm tối thiểu 14 ngày trước khi đến Huế và có kết quả xét nghiệm covid -19 âm tính trong vòng 72 giờ. Khi đến Huế, đại biểu được bố trí ăn nghỉ trong các khách sạn được giám sát (danh sách khách sạn này do Sở Du lịch khảo sát, cung cấp), tất cả đại biểu phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế…
Cục Điện ảnh và Sở Văn hóa và Thể thao họp rà soát công tác chuẩn bị cho Liên hoan phim
Liên hoan Phim Việt Nam là dịp để các Nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên bên cạnh việc thi thố, tranh tài, khẳng định vị trí, sự tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật thứ 7, còn là dịp giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Việc thay đổi phương thức tổ chức Liên hoan chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế. Tuy nhiên, với việc ứng dụng tối đa các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, dù có thay đổi phương thức tổ chức, trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn đảm bảo các yêu cầu của Liên hoan Phim. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các phương thức trực tuyến ngày càng được quan tâm và tạo được hiệu ứng, quảng bá truyền thông tích cực. Vì vậy, việc tổ chức trực tiếp theo lối truyền thống bấy lâu nay hay bằng phương pháp trực tuyến (online) không ảnh hưởng đến mục tiêu cuối cùng của Liên hoan Phim. Đồng thời, việc duy trì tổ chức định kỳ 2 năm 01 lần, không bị trì hoãn bởi các nguyên nhân khách quan, càng thể hiện tính chuyên nghiệp, sự thích ứng mới của một sự kiện có tầm cỡ quốc gia. Mặt khác, thực hiện việc giãn cách nên số lượng đại biểu, khách mời tham dự liên hoan phim, chuỗi hoạt động cũng phải điều chỉnh giảm xuống, ảnh hưởng ít nhiều đến quy mô, cũng như nhiệu quả mang lại đối với địa phương đăng cai tổ chức dù đó là điều không ai muốn. Trong tình thế hiện nay, việc Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức dự phòng Phương án tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến sẽ là phương án tối ưu nhất.
Để LHP đảm bảo thành công, Thừa Thiên Huế đã chuẩn bị rất cẩn trọng trong việc xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cụ thể cho nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau, chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, phân công trách nhiệm cho các ngành (chỉnh trang cảnh quan, công tác an ninh, công tác y tế, nguồn điện, lưu trú, vệ sinh môi trường…); kịch bản chi tiết cho từng chương trình sự kiện hưởng ứng (lễ hội áo dài, các chương trình trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, tham quan du lịch…).
Thừa Thiên Huế có Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập với hệ thống các cụm rạp, đặc biệt Rạp Đông Ba vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp và trang bị mới hệ thống máy chiếu hiện đại phục vụ Liên hoan Phim. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn, hàng đầu về phát hành Phim cũng đã xây dựng và phát triển hệ thống các rạp chiếu phim lớn, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như Cinestar Huế, Lotte Cinema, Starlight Cinema, BHD Cinema với các loại phòng chiếu khác nhau từ quy mô, kích thước, chủng loại phù hợp với từng đối tượng khán giả… Với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng đảm bảo, Thừa Thiên Huế hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của khán giả khi đến với Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII.
Nhằm đảm bảo cho Liên hoan Phim được tổ chức một cách chuyên nghiệp tại vị trí đắc địa nhất của Trung tâm thành phố Huế; đồng thời, để đại biểu, khách mời tham gia Liên hoan Phim một cách thuận lợi nhất trong việc tham dự các sự kiện, cũng như ăn nghỉ, mua sắm tham quan các điểm danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử của Huế, Ban Tổ chức đã khu trú các hoạt động sự kiện diễn ra trục văn hóa cảnh quan 2 bờ sông Hương thơ mộng, trứ danh của xứ Huế (Công viên Lý Tự Trọng, Bia Quốc Học, Công viên Tứ Tượng, Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Công viên Thương Bạc, Nghênh Lương đình…), các địa điểm tổ chức các sự kiện được xác định như thể những vệ tinh xung quanh điểm chính của Liên hoan Phim là Nhà hát Sông Hương; từ đó tạo thành một chuỗi kết nối, thống nhất trong Liên hoan phim.
PV: Đâu là những điểm mới của LHP lần này thưa ông?
Ts. Phan Thanh Hải: Trong buổi họp báo ngày 20/10/2021, thay mặt BTC, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh - Bộ VH,TT&DL đã công bố 5 điểm mới của LHP lần này, cụ thể là: (1) LHP lần này là sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia để chào mừng “Hội nghị văn hóa toàn quốc” với định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh”; (2) Do tình hình dịch bệnh covid 19 nên LHP lần này tổ chức kết hợp theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến; (3) Cơ cấu cho các giải thưởng đều tăng so với các kỳ LHP lần trước; (4) Có 2 giải thưởng mới trong LHP lần này là “Kỹ xảo phim truyện xuất sắc” và “Đạo diễn đầu tay xuất sắc”; (5) LHP lần này là dịp nhìn nhận lại các giá trị văn hóa truyền thống và tôn vinh áo dài.
Trong khuôn khổ của Liên hoan phim sẽ có Chương trình Người Huế và Áo dài diễn ra vào ngày 19/11/2021
PV: Được xác định là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, Thừa Thiên Huế có định hướng gì trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà cụ thể là công nghiệp điện ảnh? Và ông có kỳ vọng gì đối với LHP Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức tại Huế lần này?
Ts. Phan Thanh Hải: Trong việc triển khai và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng của văn hóa, di sản và bảo vệ bản sắc văn hóa Huế, việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong đó có điện ảnh sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Có thể nói, Thừa Thiên Huế có tiềm năng rất to lớn để phát triển điện ảnh, nhất là việc phát triển hệ thống phim trường tự nhiên mà cố đô Huế may mắn được sở hữu. Đó là thiên nhiên phong phú, tươi đẹp với đủ cả núi rừng, gò đồi, đồng bằng, sông suối, đầm phá, bãi biển, vịnh biển và đảo ven bờ…; đặc biệt đó còn là kho tàng di sản văn hóa vật chất và tinh thần rất đồ sộ, mà nổi bật là hệ thống di sản văn hóa cung đình hiếm có đã được thế giới vinh danh.
Trong những năm gần đây, nhiều đạo diễn, đoàn làm phim đã chọn Thừa Thiên Huế làm bối cảnh để làm phim, bên cạnh việc khai thác các di sản cổ kính, rêu phong của kinh thành Huế, sử dụng khung cảnh lãng mạn, hữu tình của xứ Huế mộng mơ để làm nên những bộ phim có giá trị nghệ thuật như: Phim “Nàng thơ xứ Huế”, “Kiều”, loạt phim “Gái già lắm chiêu”, “Mắt biếc”… đã giới thiệu những nét đẹp của di sản văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, du lịch và phong cách sống của con người xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung... Khi những bộ phim lấy Huế làm bối cảnh được trình chiếu, nhiều người ngỡ ngàng, thích thú khi được chứng kiến những hình ảnh quá đỗi quen thuộc từ những địa danh nổi tiếng đền đài, lăng tẩm, chùa chiền cho đến những không gian thơ mộng, lãng mạn của Huế qua những góc quay vô cùng mới lạ, ấn tượng, để lại trong lòng người xem không chỉ sự mến mộ, mà còn tạo được dấu ấn về một địa danh du lịch nổi tiếng, một vùng đất với vô vàn danh lam thắng cảnh mà qua phim ảnh ai cũng muốn tìm đến. Chính vì lẽ đó, nhân dịp Liên hoan Phim lần này, chúng tôi không chỉ tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh Huế bằng nhiều hình thức (có cả việc trực tiếp xây dựng một bộ phim tư liệu “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” để tham gia Liên hoan phim lần này) mà còn tổ chức chương trình tham quan để các đoàn làm phim, đạo diễn, nghệ sĩ được khám phá, khảo sát, trải nghiệm thực tế các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế; qua đó, để hình thành những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới, sử dụng bối cảnh đẹp để xây dựng những bộ phim, những clip, MV âm nhạc cho những dự án trong tương lai. Ngoài ra, trong thời gian tới, cùng với những vẻ đẹp của cảnh quan, di sản và tâm hồn người Huế, việc đổi mới tổ chức các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, gắn với Đề án Festival bốn mùa, triển khai Đề án Huế Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực sẽ là những sản phẩm văn hóa mới lạ, là nguồn cảm hứng bất tận, là sợi dây kết nối, thôi thúc những nghệ sĩ trở lại với Huế.
Không khí tập luyện cho Ngày hội Áo dài