Sáng ngày 22/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác VHTT&DL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 65 điểm cầu khắp cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đòng chí Phan Thanh Hải, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cùng lãnh đạo Sở Du lịch, các đơn vị thuộc Bộ VHTT&DL trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với những thuận lợi và thách thức đan xen. Nhìn chung, công tác văn hóa, thể thao và du lịch có xu hướng phục hồi tích cực sau 02 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhiều yếu tố rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của Ngành.
Toàn cảnh Hội nghị
Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngành VHTT&DL đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ".
Trong năm 2022, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tư; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 Thông tư.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn.
Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt khách, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm).
Về một số nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu phải thực sự đổi mới tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Các sự kiện văn hóa phải thực hiện một cách bài bản, có điểm nhấn, tạo hình ảnh, có sức lan tỏa bám sát mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa. Bộ trưởng cũng đề nghị cán bộ ngành Văn hóa cần đeo bám, chỉ đạo văn hóa ở cơ sở để cụ thể hóa các chỉ đạo Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trên tinh thần không cầu toàn, chọn việc chọn điểm, phù hợp với thực tiễn của địa phương trong thời gian tới.