Thừa Thiên Huế là nơi các Chúa Nguyễn có 150 năm định đô (1626 - 1775), là tiền đề để về sau Bắc Bình vương Nguyễn Huệ - Quang Trung hoàng đế chọn làm kinh đô (1786 - 1801) và Hoàng đế Gia Long xây dựng kinh đô Huế, tồn tại gần 150 năm (1802- 1945).
Phú Xuân thời chúa Nguyễn là trung tâm chính trị đầu tiên của nước Việt Nam vươn ra quản lý vùng biển đảo phía Đông, lãnh thổ và dân cư phía Nam, trong đó có cả vùng đất và vùng biển rộng lớn ở phương Nam; một vùng đất năng động về phát triển, là động lực mang tính khởi đầu trong quá trình hội nhập quốc tế và thống nhất của dân tộc.
Nghiên cứu để làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử của Chúa Nguyễn với đất phương Nam là nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra đối với chúng ta, đặc biệt là vùng đất Thừa Thiên Huế - nơi hàm chứa sâu đậm nhất về thể chế và di sản Chúa Nguyễn.
Hy vọng rằng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến Thừa Thiên Huế và vùng đất phương Nam gắn với thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn và Triều Nguyễn để làm sáng tỏ giá trị lịch sử, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa, di sản của vùng đất cố đô Huế.
Tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Chúa Nguyễn với đất phương Nam" là hoạt động khoa học có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 NQ-TW của Bộ Chính trị.