Thần Kinh Nhị Thập Cảnh là một tập thơ gồm 20 bài Ngự chế của vua Thiệu Trị (vị hoàng đế thứ ba của triều Nguyễn, được sử sách mô tả là một vị hoàng đế thông minh, tận tụy chăm lo việc nước, uyên bác Nho học, yêu thích thơ ca), mô tả 20 cảnh đẹp nổi tiếng của kinh đô Huế, bao gồm 7 thắng cảnh tự nhiên và 13 thắng cảnh do con người tạo nên. Đây là những bài thơ ghi lại hứng cảm của vua Thiệu Trị trước cảnh sắc thiên nhiên hữu tình của chốn thần kinh. Để tôn vinh 20 thắng cảnh trên, năm 1845, vua Thiệu Trị đã sai Nội các in thành sách bộ Ngự đề đồ hội thi tập có kèm tranh minh họa; vẽ trên tranh gương để treo tại các cung điện; vẽ trên một số đồ sứ ký kiểu đặt hàng từ Trung Hoa. Đặc biệt, nhà vua còn cho khắc chùm thơ Thần Kinh Nhị Thập Cảnh vào bảng đồng để dựng tại 8 thắng cảnh nằm trong cung và vườn ngự, đồng thời khắc vào bia đá dựng tại 12 thắng cảnh khác nằm rải rác tại kinh đô Huế và đều được khắc thơ lên bia đá.
20 bài Ngự chế này đã được các nghệ nhân, nhà nghiên cứu thư pháp thuộc hội Thư pháp Truyền thừa Đài Loan tái hiện thành 53 bức thư pháp với nhiều loại hình bút pháp khác nhau như triện, lệ, chân, hành, thảo…, để triển lãm, trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn.
Việc triển lãm các tác phẩm thư pháp này là minh chứng cho sự lan toả của những giá trị văn hóa Việt Nam trong lộ trình hội nhập văn hóa quốc tế, cũng là sự khẳng định tầm vóc của những giá trị di sản mang tính chất toàn cầu mà Di sản Văn hoá Cố đô Huế đang ẩn chứa.